Như một hành động khẳng định quan điểm mình từng đưa ra, công ty con của Tập đoàn Mai Linh là Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc vừa thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, để lấy ý kiến việc tham gia vào thị trường vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy.
Nếu được thông qua, Mai Linh Miền Bắc sẽ chính thức đưa vào vận hành hệ thống xe ôm của mình ngay trong tháng 10 này.
Trước đó, Mai Linh cũng cho biết sẽ ra mắt loại hình xe ôm công nghệ tương tự như Uber và Grab, với tên gọi M.Bike. Mức giá cước doanh nghiệp taxi này đưa ra cho loại hình xe ôm là 11.000 đồng/2km đầu tiên, mỗi km sau tính cước 3.800 đồng/km.
Giá này bằng với GrabBike và đắt hơn UberMoto 100 đồng/km. Mai Linh cũng thông tin sẽ triển khai M.Bike Premium với giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.
Nếu thực sự tham gia thị trường vận tải 2 bánh, Mai Linh sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam rẽ lối đi làm xe ôm. Ảnh: Mai Linh. |
Trước Mai Linh, Vinasun là doanh nghiệp taxi đầu tiên ứng dụng công nghệ vào hệ thống, với việc ra mắt VNS app đặt xe trực tiếp trên di động vào tháng 5/2015. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cũng không giúp giá cước Vinasun rẻ đi, nên ứng dụng của hãng taxi lớn nhất TP.HCM này nhanh chóng dần mờ nhạt.
Nếu Mai Linh gia nhập thị trường vận tải 2 bánh sẽ đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam có một “ông lớn” taxi rẽ lối đi làm xe ôm.
Việc chuyển sang kinh doanh xe ôm công nghệ cũng có thể coi là canh bạc với Mai Linh, khi chi phí để vận hành hệ thống này khá lớn, trong khi tiềm lực tài chính hiện tại của Mai Linh tương đối hạn hẹp.
Hiện Mai Linh đang trải qua giai đoạn khó khăn trong hoạt động kinh doanh, khi kết quả lợi nhuận liên tục lao dốc.
Theo báo cáo tài chính bán niên của Tập đoàn Mai Linh, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, nửa đầu năm 2017, Mai Linh đạt 1.722 tỷ đồng doanh thu thuần và chỉ thu về 29 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 5% và hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó tại Mai Linh Miền Bắc, đơn vị chuẩn bị vận hành hệ thống xe ôm, kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan. 6 tháng đầu năm công ty này chỉ thu về 525 tỷ đồng doanh thu và 12,5 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 7% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tính đến hết quý II, Toàn Tập đoàn Mai Linh đang có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 800 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ.
Thậm chí, với khoản lỗ lũy kế và sự chênh lệch hơn 1.300 tỷ đồng giữa tổng nợ ngắn hạn và tài sản lưu động, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến "nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".
Ngoài ra, để khắc phục yếu điểm bộ máy cồng kềnh, hệ thống nhân công lớn, Mai Linh đã cắt giảm tới gần 6.000 nhân viên chỉ trong nửa đầu năm. Doanh nghiệp này từ gần 30.000 nhân viên hiện còn khoảng 24.000 người.
Mai Linh Miền Bắc hiện là đơn vị vận hành hệ thống taxi Mai Linh gồm 16 công ty con, hoạt động từ Hà Tĩnh trở ra khu vực phía Bắc.
Tháng 8 vừa qua, công ty cũng đã niêm yết hơn 48,6 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, với giá tham chiếu 11.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh kém hiệu quả, cùng sự cạnh tranh lớn trên thị trường khiến Mai Linh mất dần thị phần, cổ phiếu cũng sụt giảm gần 70% giá trị, chỉ giao dịch với giá 3.500 đồng/cổ phiếu.
Từng trả lời PV, Chủ tịch Mai Linh, ông Hồ Huy, khẳng định trong chiến lược cạnh tranh với Uber, Grab, ông không lấy kiện cáo làm chính mà phải học hỏi 2 loại hình này.
“Nói một cách nghiêm túc là cần phải học hỏi hai sản phẩm Uber, Grab, một của châu Á và một của châu Âu. Tuy nhiên, có một điều là quan điểm, văn hóa kinh doanh của họ tôi lại không đồng ý", ông Hồ Huy nói.
Ông Hồ Huy cũng chỉ ra yếu điểm của các hãng vận tải truyền thống hiện nay so với Uber, Grab chính là bộ máy cồng kềnh, hệ thống nhân công lớn khiến các hãng đau đầu trong quá trình áp dụng công nghệ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]