Người đến sau
Với việc thâm nhập Việt Nam, Amazon đang muốn hưởng lợi từ việc tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhưng hãng này sẽ phải đối mặt với những trở ngại về hậu cần cũng như vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ.
Giới phân tích cho biết cho biết Amazon đang là người đến sau trong thị trường 100 triệu dân đầy tiềm năng ở Việt Nam.
Gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ sẽ hợp tác với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam(VECOM) với hơn 140 thành viên, đây cũng là nhóm doanh nghiệp trực tuyến lớn nhất cả nước.
Gijae Seong, người đứng đầu của Amazon Global Selling Singapore, phát biểu trên một diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam cho biết: “Amazon có khoảng 300 triệu khách hàng từ 180 quốc gia. Chúng tôi cung cấp các công cụ hỗ trợ người bán và xuất khẩu để bán hàng hoá ở một thị trường rộng hơn theo cách dễ dàng nhất".
Hợp tác với Amazon sẽ cung cấp cho các thành viên của VECOM một nền tảng để tăng xuất khẩu hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Nhưng đối với Amazon, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên để thâm nhập vào nền kinh tế đang phát triển với dân số 93 triệu người.
Sau khi xây dựng mối quan hệ với các thành viên của VECOM, bước tiếp theo của Amazon có thể sẽ là xâm nhập vào thị trường thương mại điện tử của Việt Nam với dịch vụ thị trường (marketplace) của mình mà không có trung tâm phân phối hay kho hàng của hãng.
Nếu công việc kinh doanh thuận lợi, công ty sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng này để mở rộng sự hiện diện của mình, giống như cách tiếp cận thị trường Nhật và các thị trường lớn khác của châu Á.
Mua sắm trực tuyến vừa mới cất cánh ở Việt Nam và có nhiều dư địa phát triển. Theo Bộ Công thương, thị trường thương mại điện tử địa phương dự kiến sẽ tăng gấp đôi về quy mô lên 10 tỷ USD vào năm 2020 từ mức 5 tỷ USD vào năm 2016. Động lực cho tăng trưởng này là sự gia tăng của người tiêu dùng trung bình của đất nước.
GDP bình quân đầu người tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên đến 4.000-5.000 USD. Điện thoại thông minh và truy cập internet Wi-Fi ngày càng trở nên phổ biến và mạng di động 4G được mở rộng hơn nữa.
Thương mại ở đây đang được nhiều yếu tố ủng hộ. Là thành viên của Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường rộng rãi hơn với các thành viên khác như Nhật Bản, Singapore và Australia, và ngược lại. Cộng đồng kinh tế ASEAN hiện đã bãi bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và đang đẩy nhanh các thủ tục hải quan. Điều này đã giúp cải thiện vị trí của Việt Nam như là trung tâm phân phối hàng hoá cho Campuchia, Thái Lan và các nước láng giềng khác.
Quá nhiều đối thủ cạnh tranh
Các hãng công nghệ Trung Quốc đã đi trước một bước, họ đã gia tăng đầu tư vào khu vực này. Lazada (thuộc Alibaba) đã mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường Đông Nam Á, trong khi Tencent Holdings lại hỗ trợ Shopee, hãng đang giành thêm khách hàng nhờ dịch vụ vận chuyển miễn phí và Tiki, vốn mới nhận được khoản đầu tư lớn từ JD.com.
Một cách gián tiếp, Facebook cũng là một đối thủ cạnh tranh khác của Amazon ở Việt Nam. Nhiều người Việt Nam bán sản phẩm qua mạng xã hội, một số họ kiếm được từ 10.000 USD/tháng.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc điều hành của Vinalink, đã viết trên trang Facebook của mình rằng Amazon không dễ dàng " thâm nhập" thị trường Việt Nam vì phải cạnh tranh với khoảng 1 triệu người bán hàng Việt Nam.
Hiện tượng này phản ánh sự không tin tưởng vào các nhà cung cấp trực tuyến ở Việt Nam, đặc biệt khi mua những mặt hàng đắt tiền. Tại một quốc gia có dưới 10% dân số có thẻ tín dụng, phương thức thanh toán khi mua hàng trực tuyến thường là tiền mặt khi nhận hàng hoặc chuyển khoản ngân hàng trước. Thanh toán gây ra nhiều sự cố khi mua sắm qua internet. "Tôi lo lắng liệu tôi có thể nhận được những sản phẩm mà tôi đặt hàng", một phụ nữ Hà Nội nói.
Bất kỳ nhà cung cấp nào cố tình lừa gạt người mua trên Facebook sẽ nhận được những phản hồi tiêu cực về họ trên mạng xã hội với 40 triệu người dùng ở Việt Nam. Đây là một hệ thống đánh giá không chính thức mà người tiêu dùng có thể kiểm tra trước khi mua.
Cơ sở hạ tầng phân phối kém phát triển của Việt Nam là một thách thức khác đối với Amazon cũng như là các công ty thương mại điện tử khác. Đường xá khá hẹp và kẹt xe triền miên khiến việc phân phối bằng xe tải trở nên khó khăn.
Mặc dù số lượng các công ty phân phối bưu kiện đã tăng lên nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Hình thức giao hàng chủ yếu vẫn là bằng xe máy.
Nhưng khi mà tầng lớp người tiêu dùng trung lưu Việt Nam đang chi nhiều hơn để mua nhà, xe hơi, đồ gia dụng và mua bán vé lớn khác, việc đặt cược vào thói quen mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng lên tại Việt Nam là một quyết định đúng đắn. Vì vậy, một cuộc chiến giữa Alibaba và Amazon để giành quyền thống lĩnh thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ xảy ra.