Những điểm mạnh trong quản trị dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng có những điểm mạnh trong quản trị dòng tiền, những điểm mạnh đó là:
- Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu chú trọng xây dựng được hệ thống các quy chế tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế tiền lương và khen thưởng làm bộ khung cho quản trị dòng tiền, hoạt động quản trị có tính linh hoạt và năng động cao nhằm thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
- Đa số các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng được kế hoạch dòng tiền trong ngắn hạn để cân đối thu chi thường xuyên, sử dụng ít nợ vay trong hoạt động kinh doanh, dựa nhiều vào nguồn vốn chủ sở hữu giúp giảm thiểu rủi ro tài chính.
- Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được những chỉ tiêu kiểm soát thường xuyên như: Giá thành, doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu để thực hiện kiểm soát hoạt động kinh doanh, thực hiện phân tích tài chính định kỳ để kiểm soát tình hình tài chính và tư vấn cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Những hạn chế trong quản trị dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Đa số các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng và truyền đạt chiến lược công ty trong nội bộ doanh nghiệp. Chiến lược là cơ sở để phân bổ nguồn lực tiền mặt hiệu quả, việc không xây dựng được một chiến lược rõ ràng khiến cho công ty thiếu đi cơ sở quan trọng nhất để phân bổ hiệu quả nguồn lực tiền mặt. Những lý do chính thường được đưa ra là hoạt động kinh doanh có độ ổn định thấp, tính không chắc chắn cao nên khó trong việc xây dựng chiến lược. Tuy nhiên, như nhiều nhà quản trị đã phát biểu, việc có một kế hoạch chiến lược không hoàn hảo thì tốt hơn nhiều so với việc không xây dựng chiến lược. Ngoài ra, các công ty chưa chú trọng việc thu thập thông tin về đối thủ cạnh tranh trong việc lập kế hoạch chiến lược.
- Chưa xây dựng các chỉ tiêu đo lường chiến lược thông qua áp dụng thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard). Điều này khiến cho việc xây dựng chiến lược vẫn dừng lại ở những yếu tố định tính, khó tạo cơ sở hiệu quả trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và hiệu quả của việc thực thi chiến lược. Các cuộc họp của ban quản trị cấp cao còn tập trung quá nhiều đến các vấn đề tác nghiệp, dành ít thời gian cho việc bàn luận các vấn đề chiến lược.
- Các doanh nghiệp cũng rất hạn chế xây dựng kế hoạch dòng tiền trong dài hạn (3 - 5 năm) gắn với chiến lược, bên cạnh đó, các kế hoạch ngân sách chi được xây dựng độc lập, hoặc phục vụ cho các mục tiêu riêng lẻ và không phù hợp, tách biệt với chiến lược và mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch dòng tiền chưa thực hiện phân tích độ nhạy/phân tích tình huống và kiểm nghiệm sức chịu đựng (stress test) trong những bối cảnh nền kinh tế hoặc thị trường suy giảm.
- Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có các chuyên viên tài chính chuyên nghiệp tách khỏi bộ phận kế toán, phần lớn là làm việc kiêm nhiệm nhưng chủ yếu vẫn là nhiệm vụ kế toán. Năng lực và tầm quan trọng của bộ phận tài chính vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ, kế toán trưởng thường chủ yếu phụ trách mảng kế toán trong khi mảng tài chính vẫn do Giám đốc hoặc Hội đồng quản trị đảm nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa ban hành cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ quản trị dòng tiền/nghiệp vụ tài chính dẫn đến các bộ phận thường gặp khó khăn khi thực hiện các nghiệp vụ này.
Những giải pháp quản trị dòng tiền hiệu quả
Việc thực hiện yếu kém các biện pháp quản trị tiền mặt chiến lược sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những sai lầm trong quản trị tiền mặt ngắn hạn. Tùy theo sai sót mà hậu quả cũng có nhiều mức độ khác nhau như: Nguồn lực tài chính sử dụng kém hiệu quả, thất bại về chiến lược cạnh tranh, mất cân đối tài chính (sử dụng nợ ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn), không chi trả đúng hạn các khoản nợ, mất khả năng thanh toán.
Nhằm tránh mắc phải những sai lầm trong quản trị dòng tiền, nhằm quản trị dòng tiền hiệu quả, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Các giải pháp quản trị dòng tiền chiến lược
- Xây dựng bộ quy chế tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế lương và khen thưởng để tạo ra khung pháp lý nội bộ cho quản trị dòng tiền, cụ thể hóa các quy chế này thành các cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ tài chính/dòng tiền và lồng ghép vào các bản mô tả công việc của nhân viên các bộ phận. Xây dựng văn hóa quản trị tiền mặt bắt đầu bằng việc coi trọng quản trị dòng tiền từ cấp lãnh đạo cao nhất, gắn chế độ khen thưởng với các thành tích tăng thu, tiết kiệm chi.
- Xây dựng chiến lược cạnh tranh làm cơ sở phân bổ nguồn lực tiền mặt hiệu quả, xây dựng các chỉ tiêu đo lường chiến lược dựa trên thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) và ra quyết định tài chính dài hạn trên cơ sở dòng tiền nhằm phân bổ nguồn lực tiền mặt một cách có hiệu quả (ra quyết định dựa trên giá trị thời gian của tiền).
- Thiết kế và xây dựng bộ máy quản trị dòng tiền, đặc biệt chú trọng xây dựng bộ phận tài chính kế toán, cần xây dựng đội ngũ chuyên viên tài chính chuyên nghiệp tách khỏi nghiệp vụ kế toán.
- Lập kế hoạch dòng tiền dài hạn nhằm cân đối thu chi trong dài hạn trên cơ sở kết hợp ba quyết định chiến lược tối ưu: Đầu tư, tài trợ và phân phối lợi nhuận, thực hiện phân tích tình huống/độ nhạy để kiểm tra sự sẵn có tiền mặt trong những hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là bối cảnh ngành và nền kinh tế gặp khó khăn.
Các giải pháp quản trị dòng tiền tác nghiệp
- Xác định mức tồn quỹ tiền mặt hợp lý, hàng năm cần lập kế hoạch dòng tiền chi tiết hàng tháng nhằm cân đối thu chi trong ngắn hạn, kiểm soát chặt chẽ thu chi dựa vào định mức chi tiêu, định kỳ xem xét lại tính hợp lý của các định mức trong quy chế chi tiêu nội bộ.
- Định kỳ thực hiện phân tích dòng tiền và báo cáo thu chi nhằm đánh giá tình hình quản trị dòng tiền thông qua các chỉ tiêu phù hợp. Trong ngắn hạn, cần có biện pháp rút ngắn kỳ luân chuyển tiền, tiết kiệm vốn lưu động, có chính sách sử dụng tiền mặt phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, thanh lý những tài sản không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi hoặc hiệu quả thấp.
Có bốn bối cảnh chính và trong những tình huống này, các doanh nghiệp sẽ định hướng sử dụng nguồn lực tiền mặt khác nhau. Nhìn chung, các công ty có khả năng thanh toán yếu sẽ tập trung vào các mục tiêu tiền mặt ngắn hạn nhằm cân bằng lại khả năng thanh toán, trong khi đó, các công ty có khả năng thanh toán mạnh sẽ hướng đến việc đạt được các mục tiêu mang tính chất dài hạn như chiếm lĩnh thị phần hay định vị trở thành những công ty dẫn đầu ngành.
- Thứ nhất, các công ty đối mặt với sự suy giảm nhu cầu và thiếu khả năng thanh toán ở trong vị trí khó khăn nhất. Họ phải quản trị tiền mặt thật sát sao, sử dụng mọi đòn bẩy có thể để duy trì hoặc tăng cường vị thế tiền mặt.
- Thứ hai, các công ty với nhu cầu ổn định nhưng khả năng thanh toán yếu sẽ quản trị hoạt động kinh doanh của họ để tạo ra tiền mặt, tập trung vào các kết quả ngắn hạn. Chúng ta thấy rõ ví dụ đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh hay Tập đoàn Gỗ Trường Thành, hiện nay công ty này có hệ số nợ cao và khả năng thanh toán yếu, do đó, các công ty này cần chú trọng các biện pháp nhằm tạo ra lượng tiền mặt để trả bớt nợ và hướng đến trạng thái cân bằng về khả năng thanh toán.
- Thứ ba, các công ty có khả năng thanh toán cao đối mặt với nhu cầu suy giảm sẽ sử dụng sức mạnh tài chính của mình để chiếm lĩnh thị phần. Chúng ta có thể thấy, trong thị trường các sản phẩm điện tử (điện thoại và máy tính), Công ty Thế giới số Trần Anh có lượng tiền mặt dồi dào và hệ số nợ thấp nhưng hiện đang rơi vào tình trạng thị phần ngày càng thu hẹp trước Công ty Thế giới Di động. Do đó, Công ty Thế giới số Trần Anh đang sử dụng khả năng thanh toán tốt của mình để đầu tư mở hàng loạt các chuỗi siêu thị hàng điện tử nhằm giành lại thị phần.
- Thứ tư, các công ty đang có khả năng thanh toán tốt và nhu cầu ổn định hoặc tăng lên đối với sản phẩm của họ có thể tập trung vào cải thiện vị thế cạnh tranh của họ. Các công ty trong tình huống này đủ sức hành động một cách chiến lược, có thể chấp nhận hy sinh các lợi ích ngắn hạn cho vị thế cạnh tranh tốt hơn trong dài hạn. Ví dụ trong tình trạng này đó là Công ty Thế giới Di động, Công ty này hiện nay đang sử dụng vị thế tiền mặt dồi dào của mình để tăng tốc mở các chuỗi siêu thị hàng điện tử nhằm duy trì và giữ vững vị thế số một trên thị trường phân phối hàng điện tử.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]