Sau khi hàng chục sàn vàng chui trên cả nước bị cơ quan công an triệt phá, mới đây nhất tại TP.HCM là sàn Thiên Việt, IMMS, nhiều nhà đầu tư đã mất hàng chục tỉ đồng do đã “gửi trứng cho ác” - gửi tiền cho các sàn vàng với hi vọng kiếm lãi suất (LS) cao bất chấp các lời cảnh báo.
Tiền mất, nợ mang
Sau nhiều năm làm ở ngân hàng, năm 2014 chị L. nghỉ việc và chuyển sang làm cho sàn IMMS. Trong quá trình làm việc, thấy công ty huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư với lãi 2%/tháng, hai vợ chồng chị L. gom góp được hơn 300 triệu đồng và vận động bà con, hàng xóm đem gửi hơn 10 tỉ đồng.
Cuối tháng 9 vừa qua, khi đang giai đoạn nghỉ sinh, chị L. choáng váng khi nghe tin sàn vàng này bị triệt phá, rồi tổng giám đốc công ty bị khởi tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Số tiền quá lớn mà tôi đã huy động của người thân bây giờ không biết cách nào đòi lại. Tôi không biết phải làm gì” - chị L. nói.
Từng có thời điểm thu hút đến gần 6.000 tài khoản với số tiền được huy động lên đến hơn 600 tỉ đồng, không riêng gì chị L., hàng trăm nhà đầu tư khác tại sàn IMMS hiện đang ngồi trên lửa bởi không chỉ mất tiền tích cóp trong nhiều năm mà còn bị người thân và bạn bè làm dữ vì đã huy động vốn của họ.
Sàn Thiên Việt có chi nhánh tại TP.HCM vừa bị đánh sập ngày 20-10 cũng quy tụ hàng ngàn nhà đầu tư tham gia với số tiền huy động lên đến 150 tỉ đồng, trong đó nhiều khoản là khách hàng gửi dưới hình thức “hợp tác đầu tư”.
Trước đó vài ngày, nhân viên của sàn này vẫn còn chào mời gửi vốn với LS gấp 2-3 lần LS huy động tại các ngân hàng (NH). Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng có LS 11,3%/năm, LS kỳ hạn 12 tháng lên đến 15%/năm, còn kỳ hạn 24 tháng là 17%/năm, chưa tính phần 2% LS cộng thêm. Tính ra LS của công ty huy động gấp 3 lần NH.
Sàn vàng chui kéo khách bằng mác “ngoại”
Sau khi hàng chục sàn vàng chui bị triệt phá, nhiều sàn có huy động vốn dạng này đã rút vào hoạt động bí mật. Tư vấn cho khách hàng trực tuyến, các công ty luôn trả lời là “hiện công ty không còn triển khai sản phẩm này” nhưng một mặt nhân viên vẫn chào mời khách hàng gửi vốn.
Trên mạng vẫn tìm thấy các mẩu chào mời gửi vốn “ủy thác đầu tư” với LS 2-4%/tháng, tương đương 24-48%/năm tùy theo số tiền gửi, gửi tiền càng nhiều LS càng cao.
Đặc biệt, nhiều sàn vàng chui dưới mác sàn ngoại vẫn hoạt động rầm rộ, liên tục “giội bom” quảng cáo qua email mời khách hàng nạp tiền có thưởng.
“Trung bình mỗi phút lãi 500 USD bằng cách dự đoán giá tăng lên hay giảm xuống, mỗi ngày chỉ dành 15 phút có thể nhận lợi nhuận 8.000 USD một cách dễ dàng” - sàn FX77 quảng cáo.
Sàn này giới thiệu có trụ sở tại Anh và Hong Kong, nhưng trang web lại hoàn toàn bằng tiếng Việt và có nhân viên liên lạc trực tiếp với khách hàng bằng tiếng Việt. Nhân viên tư vấn tên Toàn cho biết đăng ký số điện thoại giao dịch tại VN, nhưng máy đặt ở Hong Kong để tiện cho khách VN liên hệ. “Đó là dịch vụ xuyên vùng quốc tế” - Toàn giải thích.
Một sàn khác là FxPro cũng giới thiệu có trụ sở chính đặt tại Anh và văn phòng hoạt động đặt tại Cộng hòa Cyprus nhưng trang web hoàn toàn bằng tiếng Việt, theo giải thích của nhân viên tên Hằng, do khách hàng tại VN của FxPro rất nhiều.
Tuy nhiên, trong khi các thông tin về hướng dẫn giao dịch, nạp tiền đều bằng tiếng Việt thì thông tin về pháp lý lại hoàn toàn bằng tiếng Anh dù không phải bất kỳ khách hàng nào cũng có khả năng đọc hiểu các thông tin này.
Đừng “gửi trứng cho ác”
Ông Lê Tấn Lam Anh, một nhà đầu tư vàng kỳ cựu, cho biết nhiều sàn vàng nội nhưng giả danh sàn ngoại để qua mặt các cơ quan chức năng. Những sàn này lấy logo của các sàn nước ngoài nhưng nhà đầu tư thực chất chỉ chơi trên các phần mềm demo (chơi thử) chứ không phải giao dịch chính thức với sàn ngoại.
“Nhiều nhà đầu tư được các sàn gắn mác ngoại chào mời tham gia, nhưng tôi khuyên không nên chơi vì các sàn này cũng hoạt động, nếu xảy ra rủi ro mất tiền nhà đầu tư không biết khiếu nại ở đâu” - ông Anh nói.
Anh Vinh, một nhà đầu tư vàng, cho biết chiêu thức phổ biến nhất của các sàn là chỉnh phần mềm chạy chậm hơn so với thời gian thực. Giá biến động theo chiều hướng thiệt hại cho nhà cái thì sàn sử dụng chiêu thức “nhốt” lệnh, nhà đầu tư vào lệnh không ăn nên thấy cơ hội mà không thể nào chốt lời được.
Một chiêu khác là cho “bonus” vài chục phần trăm để gợi lòng tham, đồng thời tạo đòn bẩy tài chính lớn nhưng khi giá xuống thì sàn tự động rút bonus ra khiến tài khoản của nhà đầu tư bị “cháy”.
Chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng giao dịch trên các sàn này rủi ro pháp lý cực kỳ lớn do đến nay NH Nhà nước vẫn chưa cấp phép cho bất kỳ sàn vàng nào hoạt động. Chưa kể phần mềm của các sàn này không ai chịu trách nhiệm về tính chính xác. Đã có rất nhiều trường hợp chủ sàn thắng không sao nhưng đến khi người chơi thắng thì phần mềm tự trở chứng.
Theo tổng giám đốc một công ty vàng, sau khi NH Nhà nước “dẹp” sàn vàng cách nay mấy năm, nhân viên môi giới tại các sàn này chuyển sang hoạt động chui, chưa kể những sàn vàng chui bị “bể” trước đây nay “thay tên đổi họ” tiếp tục hoạt động.
Lỗ hổng từ thẻ Theo các chuyên gia, hiện các sàn vàng chui này đang lợi dụng kẽ hở từ thẻ tín dụng quốc tế để thực hiện chuyển tiền. Số tiền mỗi giao dịch không lớn nhưng hàng trăm, hàng ngàn giao dịch là số tiền lớn mà hiện cơ quan quản lý không quản được. Trên website các sàn vàng chui cũng công khai hướng dẫn cách chuyển tiền qua NH. Chẳng hạn sàn FX77 hướng dẫn khách hàng muốn chơi thử có thể nạp tiền vào tài khoản bằng cách nạp với thẻ Visa, Master, chuyển khoản Internet banking, thẻ ATM... Tương tự, khi rút tiền khách hàng cũng thực hiện online và thông qua tài khoản NH. Nhanh nhất là 2 tiếng, chậm thì một ngày làm việc khách hàng sẽ nhận được tiền. Đánh vào lòng tham Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính cho rằng việc gửi tiền ở các sàn vàng phi pháp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì công ty nói là hợp tác đầu tư nhưng công ty lấy tiền của nhà đầu tư để đầu tư vào đâu, tình hình hoạt động thế nào, tài sản đảm bảo là gì thì không ai biết. “Mục đích của sàn vàng khi đưa ra lãi suất cao như vậy là để đánh vào lòng tham của khách hàng. Do vậy, nhà đầu tư đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất tất cả. Chỉ nên bỏ vốn vào những lĩnh vực mà pháp lý rõ ràng và nhà đầu tư có thể nắm bắt được” - ông này nói. |
* Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM): Nên tỉnh táo trước chiêu bài “lãi suất cao” Theo quy định, chỉ có NH thương mại, quỹ tín dụng nhân dân và một số công ty tài chính được NH Nhà nước cấp phép mới được quyền huy động vốn. Tuy nhiên, các công ty tài chính không được huy động vốn từ người dân mà chỉ được huy động vốn trung dài hạn từ tổ chức dưới hình thức phát hành các giấy tờ có giá. Do đó, gửi tiền cho các sàn vàng chui vô cùng rủi ro vì hiện nay NH Nhà nước không cấp phép nên các sàn này hoạt động phi pháp. Nếu rủi ro xảy ra thì phải xử lý thông qua tòa án và người gửi khó lấy lại được số tiền đã gửi vào vì còn phải căn cứ theo tài sản thu hồi được và chi trả theo thứ tự ưu tiên. Nếu may mắn thì người gửi chỉ có thể lấy lại một phần số tiền đã mất. Người dân nên tỉnh táo. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]