Được bạn bè gọi đùa là “Hải khùng” khi bỏ tất cả công việc làm ăn đang suôn sẻ, để dành tám năm trời nghiên cứu, khởi nghiệp về huấn luyện phát triển cá nhân và doanh nghiệp mới hiệu quả, thú vị và… vui!
Trần Xuân Hải gần chục lần khởi nghiệp và… thất bại! Hao gần chục tỉ. Từng là CEO tại Linco Group, Nam Hưng Long, anh cũng từng để vuột mất nhiều cơ hội làm giàu. Từng bị trầm cảm, yêu đơn phương, muốn tự sát… khi cảm xúc xuống tận đáy, anh mới phát hiện ra bi kịch lớn nhất của đời mình là từ… sự học! Được bạn bè gọi đùa là “Hải khùng” khi bỏ tất cả công việc làm ăn đang suôn sẻ, để dành tám năm trời nghiên cứu, khởi nghiệp về huấn luyện phát triển cá nhân và doanh nghiệp mới hiệu quả, thú vị và… vui!
Chân dung “Hải khùng”
Là một trong những sinh viên được tiếp xúc với nghề thiết kế lập trình sớm nhất của trường Slovak Technical University, lấy được bằng kỹ sư phần mềm rồi mà vì sao anh lại bỏ nghề có thể “hái ra tiền” thời đó?
Tôi cũng thấy mình… khùng thật! Không khùng sao bỏ tám năm trời chẳng làm ra đồng nào cho vợ con, để theo đuổi mong muốn giúp mọi người tạo ra công ty thu nhập gấp mười lần, vui gấp mười lần, ý nghĩa gấp mười lần! |
Năm 1990 tôi mua được chiếc máy tính đầu tiên ngon lành, ổ cứng, màn hình xịn. Bởi nhiều lý do khác nhau, sau này tôi mới biết mình bị trầm cảm, yêu đơn phương, cả ngày chỉ thích nằm trong phòng đọc truyện và chơi game. Môn nào thích thì điểm xuất sắc, môn nào không thích điểm trung bình, kém. Lúc tốt nghiệp có môn phải nhờ bạn viết giùm phần mô tả… Nhưng đấy chỉ là phần nổi tảng băng.Đó thực sự là một cơ hội làm giàu rất lớn mà tôi không nhận ra. Đi học về lập trình thời 1989 – 1990, đến năm 1996 tốt nghiệp, về Việt Nam. Là một trong vài ngàn người được tiếp xúc với internet, web đầu tiên, hồi đó còn chưa có Amazon, Google, mới bắt đầu có Yahoo… nếu có hiểu về kinh doanh như ngày nay, tôi đã không để cho cơ hội khai thác tỉ đô đó tuột mất.
Khi đi học, mình kỳ vọng rất lớn, nhưng thời đó người ta không dạy về khởi nghiệp, tôi chỉ nghĩ học để sáng tạo, góp cái gì đó cho đời, như những nhà sáng chế. Không suy nghĩ làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền, chỉ nghĩ làmkỹ sư lương khoảng 1.000 USD là tốt rồi. Nhưng do tinh thần không tốt nên không theo đuổi ngành lập trình được, vì đòi hỏi thời gian. Tôi đã từng có lúc muốn tự sát. Cảm xúc xuống đến đáy.
Bước sang ngành thiết kế quảng cáo, dạy ở đại học Kiến trúc về thiết kế đồ hoạ, anh đã từng “Làm bạn với hình, làm tình với chữ” mà rồi cũng… bỏ ngang?
Từ một con người của số, của logic, tôi muốn bước sang tư duy hình ảnh, để cân bằng lại con người mình. Tôi không học bất cứ trường nào về thiết kế, mà tự học thiết kế qua sách vở (print, flash, web, identity…) hơn mười năm, và tự hào là người có tủ sách về thiết kế đồ hoạ đáng kể. Là một trong những người làm thiết kế web đầu tiên đưa flash vào Việt Nam, tôi tham gia giảng dạy ở khoa Mỹ thuật công nghiệp thuộc đại học Kiến trúc, Hồng Bàng về sử dụng photoshop. Thời đó phần lớn sinh viên không sử dụng rành máy tính trong photoshop. Ba năm trời đi dạy vì thích tương tác với các bạn trẻ, không phải vì tiền.
Mười năm làm trong ngành thiết kế giúp tôi hiểu ra hai vấn đề: tác động của hình ảnh lên cảm xúc con người, giống như nhìn cái áo đẹp là thích liền, đi ngay vào trái tim, không nhất thiết phải hiểu vì sao. Thứ hai sức sáng tạo của con người rất lớn. Dần trưởng thành về mặt chuyên môn khi tham gia công ty MAI, nhóm của tôi là nơi làm bộ thiết kế nhận diện thương hiệu cho Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh. Ba logos của tôi đã được NXB Rockport (Mỹ), nơi chuyên in sách thiết kế chọn in trong bộ Logo master library (tập 1 và tập 3).
Nếu xét về chuyên môn thì có thể thành công, nhưng về cá nhân thì thất bại. Lúc đó tôi gặp khủng hoảng lớn. Tự đánh giá mình đạt giữa 7 – 8 điểm/10, với tôi, 8 điểm nghĩa là có công trình được nước ngoài công nhận, 9 điểm là những người thường xuyên có công trình thiết kế, 10 điểm giống như Picasso, đưa ra bộ lý luận mới, thuyết phục. Những cái mình làm có thể được nước ngoài công nhận, cuối năm 2006, đầu 2007, khi tôi gửi các logo thiết kế của mình cho NXB Rockport, và khá tự tin mình sẽ được tuyển vào trong 2.000 logo đó, nhưng không có phản hồi, mình suy sụp, chán nản, nghĩ tự đánh giá cao quá, thực ra không được đến 7 điểm! Tôi đã quyết định rời bỏ ngành thiết kế và cùng người anh lập công ty riêng về phân phối! Tôi đâu biết mãi một năm sau Rockport mới phản hồi đã lấy một logo vào sách, năm thứ 2 tôi được chọn thêm hai logo đưa vào bộ sách khác. Những điều mình tự đánh giá là có lý do, nhưng đã muộn.
Đảm nhận vai trò sales, marketing, rồi CEO cho Linco… có vẻ như con người mơ mộng của anh đã chạm đất thực sự?
Nhảy vào công ty Linco, nơi có 20 năm kinh nghiệm chuyên phân phối hàng của Philips, rồi mở thêm công ty mới của riêng mình, hơn tám năm lăn lộn trong ngành phân phối với đủ vai trò, từ quản lý phân phối, xây dựng tổ chức, chiến lược, kế hoạch, triển khai thực thi và đào tạo… trải qua ba, bốn công ty, có cái thành công, có cái thất bại, mà đa phần là thất bại, từ đó tôi hiểu ra thế mạnh của mình là nghiên cứu ý tưởng mới, sáng tạo và chia sẻ kiến thức.
Khi tôi mới lên chín, thầy Phan Dũng, người viết bộ sách Phương pháp luận sáng tạo đã đến gặp bố và đưa một chồng tài liệu lúc ấy mới đánh máy. Tôi đã đọc ngấu nghiến, và thằng bé con gầy còm là tôi thời đó đã rất xúc động, có niềm tin vào sự thay đổi. Sáng tạo hoàn toàn là kỹ năng, có thể học được. Do chúng ta không được học, không có phương pháp học nên coi sáng tạo là huyền bí, chỉ có các đấng thần linh mới sáng tạo được, đó là sai lầm.
Bài học thứ 2, không cần học quá nhiều để sáng tạo. Chỉ cần nhớ khoảng 70% các phát minh sáng chế được ghi nhận trên thế giới, nghĩa là chỉ cần học đến cấp 2 có thể sáng tạo được. Có lẽ nhờ học về lập trình, tư duy logic mạnh, nên khi bước sang thiết kế, giống như xoá bài làm lại, tư duy hình ảnh mạnh hơn, đi thẳng vào trái tim. Do làm logo rất kỹ, từ 1.000 – 2.000 ý tưởng, một ngày từ 50 – 100 ý tưởng với tôi là bình thường. Suy nghĩ cả nhiều tháng, để vẽ ra trong 3 phút. Ý tưởng ấy tôi học từ Picasso, đấy là “cả cuộc đời cộng thêm 15 phút!”. Rồi “xoá bài làm lại” thứ 2 khi bước sang phân phối, đã giúp tôi va chạm thực sự với kinh doanh để có những trải nghiệm thực tế tốt nhất. Trên Facebook của tôi có mở một Group Happiness Management từ năm 2012 với hơn 300 bài viết về các chủ đề tâm lý, tinh thần, giáo dục, quản trị, lãnh đạo… Sau này, tôi có mở thêm Group BizGym với khoảng vài chục bài mới hơn… tổng cộng tới nay khoảng 500 bài viết.
Được đặt biệt hiệu là “Hải khùng”, “Sách ca” do vợ, một kiến trúc sư đặt, với thư viện hàng ngàn cuốn sách in và eBook, anh có thấy mình… khùng không, khi rời bỏ hết mọi công việc làm ăn để dành tám năm nghiên cứu, khởi nghiệp về huấn luyện phát triển doanh nghiệp và cá nhân?
Ngày 28.8.2009, tôi có một giác ngộ, thấy cách chúng ta hoạt động, quản lý, kinh doanh, mặc dù vẫn có lời nhưng thiếu hiệu quả. Tôi nhớ rất rõ ngày này, vì nó giống như tôi được sinh ra đời lần thứ 2. Bao nhiêu bức xúc, khó chịu từ nhỏ xíu đã tìm ra lời giải. Ví dụ “Học sao mà chán thế?”, “Học chẳng liên quan gì đến việc mình làm?”, “Tại sao môn đó chẳng thấy ý nghĩa trực tiếp trong cuộc sống?”, “Tích phân, đạo hàm để làm gì vậy?”, “Tại sao việc học không thể khác đi?” Đến lúc đi làm, lại thấy “Sao đi làm căng thẳng thế?”, “Làm hoài sao chẳng thấy giàu?” Cả học lẫn làm đều chán ngắt.
Bản chất sáng tạo là không chấp nhận hiện trạng. Tại sao việc học lại không vui? Tại sao việc làm lại không thể khác đi được? Vì không nhìn thấy ý nghĩa, hiệu quả. Rõ ràng công ty tổ chức được công việc có ý nghĩa, có niềm vui và hiệu quả về tài chính, hiệu quả về tác động xã hội rất hiếm. Mình có tìm ra được lời giải không?
Mong muốn của mình là thiết kế môi trường học, việc làm phải khớp với nhau, giúp cho công việc một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Làm kinh doanh cũng phải học về tâm lý, học về phát triển con người, mang tính giáo dục, thay đổi thế giới bằng cách nào đó. Tám năm nay tôi chủ tâm thiết kế ra cái đó, huấn luyện phát triển doanh nghiệp và phát triển cá nhân. Hai chủ đề này không thể tách rời, theo quan điểm của tôi. Hướng phát triển doanh nghiệp đi theo ngành mới Business Design (ngành thiết kế doanh nghiệp) hiện khá ít người biết với tư duy thiết kế nên một doanh nghiệp mạnh. Bisiness Design sẽ là ngành thiết kế quan trọng nhất của thế kỷ 21 này. Bạn cũng có thể thiết kế nên cuộc đời mình như ý với những nguyên lý tương tự Business Design.
Nội dung đào tạo khá rộng: lãnh đạo, quản lý, sáng tạo, truyền thông và kinh doanh. Mô hình đào tạo kết hợp cả online và offline, tập trung giai đoạn đầu kèm hỗ trợ triển khai từng cá nhân phát triển trong cuộc sống, xây dựng sự nghiệp và doanh nghiệp của mình. Tôi rất vui khi thấy hiệu ứng của học viên sau mấy khoá học rất tốt…
Tôi cũng thấy mình… khùng thật! Bỏ tám năm trời chẳng làm ra đồng nào cho vợ con, để theo đuổi mong muốn giúp mọi người tạo ra công ty thu nhập gấp mười lần, vui gấp mười lần, ý nghĩa gấp mười lần! Cơ hội đang đến khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra, công nghệ quản lý kinh doanh mới hiệu quả hơn nhiều. Tôi muốn chia sẻ với mọi người “siêu mỏ vàng đó”. Công việc của tôi là khoan mũi khoan chạm đến mỏ vàng đó, giúp cho cùng nhau khai thác mỏ vàng. Tôi gọi đó là “môn phái” rèn luyện, làm việc, kinh doanh theo kiểu mới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]