Gần núi Phú Sỹ của Nhật có một khu tổ hợp bao gồm 22 nhà máy không có cửa sổ và hàng chục tòa nhà văn phòng nằm bên trong khu rừng rậm, nơi đây chính là trụ sở của Fanuc. CEO kiêm nhà sáng lập của Fanuc, ông Seiuemon Inaba, từ nhiều thập niên trước đây đã chọn địa điểm này để xây dựng nhà máy nhằm né tránh càng nhiều càng tốt những ánh mắt soi mói của công chúng.
Từ khi lên giữ chức chủ tịch kiêm CEO của Fanuc vào năm 2003, con trai của ông Inaba, ông Yoshiharu cũng vẫn giữ nguyên những nguyên tắc đảm bảo sự bảo mật cho hoạt động của nhà máy.
Ông chỉ trả lời câu hỏi của nhà đầu tư hai lần mỗi năm, luôn mặc áo vét màu vàng chanh, màu đặc trưng cho sản phẩm robot của nhà máy sản xuất ra, màu đồng phục của công nhân nhà máy, màu xe ô tô đưa đón nhân viên và màu áo của những nhà điều hành của nhà máy làm việc trong khu vực.
Nhà sáng lập Inaba từng giải thích lý do tại sao ông chọn màu vàng làm màu đặc trưng của nhà máy: “Đó là màu áo của vua.” Ngoài ra, màu sắc đặc biệt này cũng giúp cho nhân viên bảo vệ nhà máy nhanh chóng phát hiện ra những “kẻ lạ”.
Ông lo sợ về những kẻ gián điệp công nghiệp, những kẻ làm việc cho giới đầu tư hoặc chuyên gia phân tích chứng khoán luôn muốn có cơ hội được chứng kiến tận mắt một trong những dây chuyền sản xuất vô cùng hiện đại của thế giới, dây chuyền tạo ra những thiết bị giúp chế tạo nên vô cùng nhiều sản phẩm, từ ô tô cho đến điện thoại iPhone.
Trong thập kỷ qua, khi mà mức lương lao động tăng, chất lượng cuộc sống của người lao động tăng lên, người lao động không còn muốn thực hiện những công việc nguy hiểm, lặp đi lặp lại. Cùng lúc đó, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang cần đến nhiều hơn những loại robot có khả năng đảm nhiệm những công việc này.
Robot của Fanuc giờ đang hiện diện trong quá nhiều nhà máy ở Trung Quốc. Robot Fanuc lắp đặt và sơn ô tô ở Trung Quốc, lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện điện tử. Trong các nhà máy dược phẩm, Fanuc phân loại và đóng gói thuốc. Trong nhà máy chế biến thực phẩm, robot thái thực phẩm và đóng gói.
Robot hiện đại nhất của nhà máy hiện có tên Robodrill, robot tiên phong của ngành sản xuất toàn cầu, robot này sản xuất ốp lưng kim loại cho iPhone của Apple. Trong năm tài khóa 2010 khi Apple công bố ra mắt iPhone 4, chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng toàn bộ ốp kim loại, doanh số bán Robotdrill tăng hơn gấp đôi.
Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa Robotdrill và điện thoại iPhone của Apple đã trở nên bền chặt đến nỗi chỉ dựa trên doanh số bán Robotdrill, người ta có thể tính toán được điện thoại iPhone 8 sẽ sử dụng ốp lưng loại gì. Việc Apple tung ra iPhone 8 và iPhone X không khỏi khiến doanh số Robotdrill tăng. Nhiều nhà sản xuất iPhone đặt mua Robotdrill để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất iPhone sẵn có và cũng để phục vụ cho những nhà máy mới chuyên sản xuất iPhone của họ.
Ngoài ra, khi Apple tung ra iPhone mới, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Vivo, Oppo Electronics và Huawei Technologies cũng đồng thời đặt mua thêm Robotdrill để sản xuất các mẫu điện thoại của riêng họ nhằm cạnh tranh với sản phẩm từ Apple.
Khi người Trung Quốc sử dụng ngày một nhiều robot, các nhà sản xuất khác trên thế giới cũng làm tương tự. Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia hiện đang điều chỉnh lại hoạt động cũng làm vậy bởi robot giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí lao động và lại có khả năng thực hiện được nhiều công việc khó.
Trong xu thế này, Fanuc nổi lên là “kẻ chiến thắng” bởi công ty 50 tỷ USD này kiểm soát phần lớn dây chuyền tự động hóa và robot công nghiệp của thế giới. Trên thực tế, Fanuc có thể coi như công ty quan trọng nhất trên thế giới hiện nay bởi Fanuc đang sản xuất ra những thiết bị vô cùng quan trọng với rất nhiều các công ty sản xuất lớn khác của thế giới.
Năm 1955, chàng kỹ sư trẻ Seiuemon Inaba bắt đầu làm việc tại tập đoàn Fujitsu, công ty công nghệ thông tin có lịch sử lâu đời thứ 3 trên thế giới chỉ sau IBM và HP của Mỹ. Inaba sau này được phân làm quản lý một chi nhánh chuyên kiểm soát các vấn đề liên quan đến số học.
Mô hình tự động hóa đầu tiên này đã tạo nền móng cho việc phát triển hệ thống về sau đó. Ngay từ ban đầu, Inaba đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm mà không hề quan tâm đến lợi nhuận. Trong vòng ba năm, kỹ sư Inaba và 500 cộng sự của anh đã bán chiếc máy đầu tiên cho Makino Milling Machina. Đến năm 1972, Fujitsu-Fanuc (từ viết tắt của Fuji Automatic Numerical Control) được thành lập riêng biệt, Inaba quản lý công ty này.
Theo Inaba, giai đoạn tiếp theo của ngành sản xuất toàn cầu sẽ là kiểm soát số học bằng máy tính (CNC) dựa trên ngôn ngữ lập trình chuẩn. Ở thời điểm đó 10 công ty sở hữu công nghệ CNC đều thuộc về người Mỹ, tuy nhiên chỉ trong vài năm, Fanuc đã vượt qua tất cả họ.
Nhờ vào những sáng tạo của Inaba mà đến năm 1981, khoảng hơn 11 nghìn robot đã được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất của Nhật, giúp xử lý được rất nhiều công đoạn khó trong sản xuất.
Từ khi chi phí lao động trên thế giới bắt đầu tăng vào đầu thập niên 1970, các công ty sản xuất tại các nước phát triển không ngừng chào đón việc sử dụng robot. Dù vậy những robot ban đầu này còn kém hiện đại và cần đến sự tham gia nhất định của bàn tay con người, dù vậy nó cũng giúp cho các doanh nghiệp có thể tập trung vào tăng năng suất. Phải cần đến rất nhiều sự phát triển công nghệ sau này, robot mới có thể thực hiện được các nhiệm vụ khó khăn hơn.