Theo Bloomberg đưa tin, Nvidia đã đạt được thỏa thuận mua lại mảng chip Arm của tập đoàn SoftBank với giá 40 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của ngành chip sẽ trao cho Nvidia quyền kiểm soát một số công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất trong các thiết bị điện tử.
Theo đó Nvidia sẽ trả 21,5 tỷ USD mua cổ phần và 12 tỷ USD tiền mặt cho công ty thiết kế chip có trụ sở tại Anh. SoftBank có thể được nhận thêm 5 tỷ USD cổ phiếu hoặc tiền mặt nếu như hiệu suất của Arm đạt được một số mục tiêu nhất định. Ngoài ra các nhân viên của Arm có thể được nhận thêm 1,5 tỷ USD dưới dạng cổ phiếu Nvidia.
Năm 2016, SoftBank đã bỏ ra 31,4 tỷ USD để thâu tóm Arm và đó cũng là thương vụ lớn nhất trong ngành chip tính đến thời điểm đó. Sau khi Nvidia thâu tóm Arm, SoftBank sẽ sở hữu chưa đến 10% cổ phần của Nvidia.
Để hoàn tất, thương vụ sẽ cần phải được cơ quan quản lý thông qua – quá trình có thể kéo dài đến 18 tháng và cũng cần phải được sự đồng ý của chính phủ Anh, Trung Quốc, EU và Mỹ.
Trong 1 động thái nhằm xoa dịu các khách hàng quyền lực của Arm và những lo ngại ở phía cơ quan quản lý, Nvidia cho biết Arm sẽ "tiếp tục hoạt động theo mô hình cấp phép mở (open-licensing) cũng như thái độ trung lập đối với khách hàng toàn cầu – những nền tảng đã tạo nên thành công của hãng chip đến từ nước Anh.
CEO của Nvidia, Jensen Huang, cho biết ông rất yêu thích mô hình kinh doanh của Arm và muốn mở rộng tệp khách hàng vốn đang rất rộng của Arm. Về lo ngại thỏa thuận sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Arm với các khách hàng như Apple, Huang cho biết Nvidia đã bỏ ra rất nhiều tiền cho thương vụ này và sẽ không dại dột làm điều gì đó để đuổi khách hàng đi.
Dưới thời Huang, Nvidia đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá trị vốn hóa và tầm ảnh hưởng trong giới công nghệ. Vốn đã thống trị thị trường chip đồ họa – thứ làm cho các video game trở nên chân thực hơn, gần đây Nvidia đang lấn sân sang cả mảng chip sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và xe tự hành.
Trong khi đó thứ quan trọng nhất ở Arm không phải là doanh thu (chủ yếu đến từ bán bản quyền chip và các thiết kế chip). Công nghệ của Arm chính là "trái tim" của hơn 1 tỷ chiếc smartphone được bán ra hàng năm. Chip sử dụng công nghệ của Arm được sử dụng trong gần như mọi thứ, từ các thiết bị trong nhà máy đến đồ điện tử gia dụng.
Thương vụ cũng được thúc đẩy bởi xu hướng áp dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống. Nvidia đã thành công trong việc bán chip đồ họa cho các trung tâm dữ liệu mong muốn đẩy nhanh tốc độ quá trình xử lý ngôn ngữ và nhận diện hình ảnh. Và giờ đây Huang muốn chắc chắn rằng công nghệ của Nvidia sẽ nhân rộng điều đó ở mọi lĩnh vực. "Chúng tôi sẽ kết hợp sự dẫn đầu của Nvidia trong mảng AI với hệ sinh thái đa dạng của Arm", Huang nói.
Điểm nổi bật của Arm là tính độc lập. Những đối thủ mạnh như Samsung, Apple, Qualcomm, Broadcom, Intel và Huawei đều là những bên được cấp phép để sử dụng thiết kế của Arm làm cơ sở để phát triển chip của riêng họ. Tuy nhiên thương vụ với Nvidia đang đe dọa tính trung lập này. Khi Arm về tay SoftBank 4 năm trước, đây không phải là vấn đề vì SoftBank không phải là đối thủ của bất kỳ khách hàng nào của Arm.
Giống như Maysayoshi Son, Huang là 1 nhà lãnh đạo lôi cuốn với tầm nhìn rất dài hạn về tương lai công nghệ. Tuy nhiên ông tập trung vào công nghệ nhiều hơn so với Son, và thường xuyên bàn luận về khoa học máy tính và chip khi xuất hiện trước công chúng.
Cổ phiếu của Nvidia chốt phiên cuối tuần trước ở mức 486 USD, tăng gấp nhiều lần so với mức 15 USD của năm 2010. Hiện giá trị vốn hóa của Nvidia đạt hơn 300 tỷ USD, cao hơn gần 100 tỷ USD so với Intel – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới có doanh thu cao gấp 7 lần.
Giá trị vốn hóa của Nvidia vượt Intel. Nguồn: Bloomberg.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]