Các nhà khoa học ở Mỹ vừa nghiên cứu thành công một loại pin chạy bằng ion lithium chế tạo từ một loại nấm đông cô (portabella mushrooms). Trong khi tất cả các loại pin lithium trong các điện thoại di động hiện nay đều được chế tạo từ than chì (graphite).
Sự kiện này nghe có vẻ... viễn tưởng, nhưng các nhà khoa học đã đưa ra các bằng chứng chứng minh rằng loại pin làm từ nấm đông cô này có tuổi thọ lâu hơn các loại pin thông thường làm từ than chì hiện nay. Chính vì thế, các thiết bị điện thoại dùng pin làm từ nấm đông cô sẽ có thời gian sử dụng kéo dài hơn khá nhiều.
Nấm đông cô có thể trở thành nguồn năng lượng tuyệt vời cho các thiết bị điện tử. Nguồn: Poly Liss/Shutterstock.com
Đó chưa phải là tất cả. Pin làm từ nấm đông cô có giá thành rẻ một cách đáng kinh ngạc và rất dễ chế tạo. Điều tuyệt vời nhất là chúng rất dễ dàng bị phân hủy và không gây bất kì ảnh hưởng nào đến môi trường.
Đây sẽ là một bước tiến lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường bởi theo ước tính, đến năm 2020, nhu cầu dùng pin của con người sẽ tăng vọt nhằm đáp ứng việc nạp năng lượng cho hơn 6 triệu thiết bị điện tử.
Trong một thiết bị pin lithium thông thường làm từ than chì, sẽ có hai cực âm và dương, hay còn được gọi là anôt và ca tốt. Hai cực âm dương này sẽ làm dịch chuyển các nguyên tử lithium đã được tích điện từ sau ra trước hoặc từ trước ra sau. Tùy theo hướng di chuyển của các nguyên tử lithium này mà thiết bị pin sẽ giải phóng hoặc dự trữ năng lượng điện.
Cực anốt trong các loại pin truyền thống được làm từ than chì tổng hợp. Pin chế tạo từ than chì có hiệu suất hoạt động không cao và chi phí chế tạo khá đắt. Bên cạnh đó, để tạo ra than chì tổng hợp, nhà sản xuất cần phải sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại như axit flohydric hay axit sunphuric. Quá trình chế tạo này khá nguy hiểm và thải ra môi trường nhiều chất độc hại.
Chính vì thế các nhà khoa học đã tìm cách thay thế than chì tổng hợp bằng một loại chất khác có giá thành rẻ hơn và thân thiện với môi trường. Một nhóm các nhà khoa học ở Đại học California, bang Riverside, Hoa Kỳ đã quyết định sử dụng nấm làm vật liệu thay thế. Vì cấu tạo của nấm rất xốp, sẽ tạo ra rất nhiều khoảng trống cho các phân tử ion lithium hoạt động, từ đó giúp tạo ra một loại pin có thể dự trữ và giải phóng nhiều năng lượng hơn hẳn.
Bên cạnh đó, trong thành phần của nấm có chứa nhiều chất kali. Điều này có nghĩa rằng, khi loại pin này càng được sử dụng nhiều, càng được nạp thêm nhiều năng lượng, thì dung lượng pin chứa được sẽ ngày càng tăng theo thời gian.
"Với một loại pin chế tạo từ nấm như thế này, những chiếc điện thoại di động trong tương lai sẽ có thời lượng sử dụng pin tăng dần lên qua thời gian. Điều này hoàn toàn đối lập với sự giảm dần thời lượng sử dụng pin (hiện tượng chai pin) như các loại pin truyền thống hiện nay. Tất cả đều nhờ vào sự hoạt hóa năng lượng bên trong các cấu trúc cacbon, tạo thành các bộ dự trữ và giải phóng năng lượng ngày càng mạnh mẽ qua các lần sử dụng”, Giáo sư Brennan Campbell, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.
Hiện nay, loại pin làm từ nấm đông cô này vẫn còn trong giai đoạn phát triển. Nhưng những thế hệ thử nghiệm đầu tiên của loại pin này đã hoạt động với hiệu suất gần như tương đương với loại pin lithium truyền thống hiện nay.
Nguồn: Đại học California, Riverside
Bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ tìm cách tối ưu hóa hệ thống cấu tạo của pin, phát triển nhằm đáp ứng với mục đích sử dụng rộng rãi trong tương lai.
Dù còn nhiều nghi ngờ về loại pin làm từ nấm này, như những kết quả ghi nhận được thật sự rất hứa hẹn. Trong một tương lai không xa, loại pin làm từ nấm với giá thành siêu rẻ, thời lượng pin kéo dài liên tục và hoàn toàn thân thiện với môi trường sẽ không còn là điều viễn tưởng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]