Giá dịch vụ “trên trời”
Chị Nguyễn Thanh Hường, chủ sở hữu một căn hộ rộng 130 m2 tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower cho biết, với mức giá dịch vụ quản lý khoảng 15.000 đồng/m2, cộng thêm gần 2 triệu tiền gửi ô tô, xe máy thì mỗi tháng gia đình chị phải chi trả khoảng 4 triệu đồng. Chị cho biết: “Nhiều hộ gia đình sử dụng dịch vụ hồ bơi, tập gym hoặc sở hữu 2 chiếc ô tô thì giá dịch vụ còn đẩy lên cao nữa.”
Keangnam Landmark - một trong những chung cư có giá dịch vụ “khủng” nhất Hà Nội.
Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, những chung cư có giá dịch vụ đắt đỏ nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều tập trung ở phân khúc căn hộ cao cấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến dư luận hoài nghi bởi nhiều chủ đầu tư lợi dụng cái mác này để “thét” giá dịch vụ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mức phí dịch vụ căn hộ chung cư cao nhất ở thời điểm hiện tại thuộc về dự án Indochina Plaza Hanoi. Theo chủ đầu tư dự án công bố, mức phí dịch vụ quản lý tòa nhà là 0,85 USD/m2 (khoảng 18.000 đồng), phí gửi xe ô tô là 1.800.000 đồng/ tháng và đối với xe máy là 45.000 đồng/ tháng. Sau nhiều cuộc đấu tranh nảy lửa giữa cư dân và chủ đầu tư, hiện mức giá dịch vụ của tòa Keangnam Landmark Tower tuy có nhích xuống chút ít nhưng vẫn ở mức cao. Theo đó, giá dịch vụ căn hộ rơi vào khoảng 15.000 đồng/m2, phí gửi xe ô tô là 875.000.000 đồng/tháng và phí gửi xe máy là 45.000 đồng/tháng.
Tọa lạc ở số 88, Láng Hạ, Sky City cũng là một trong số các tòa nhà có giá dịch vụ cao ngất ngưởng. Chủ sở hữu mỗi căn hộ sẽ phải trả 8.000 đồng/m2 và 1.800.000 đồng tiền gửi xe ô tô trong một tháng.
Mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng khu căn hộ cao cấp Mulberry Lane cũng gây tranh cãi giữa chủ hộ với chủ đầu tư vì áp mức phí dịch vụ cao. Cụ thể giá dịch vụ hàng tháng là 10.000 đồng/m2 và tiền gửi xe ô tô là 1.200.000 đồng/m2, 200.000 đồng/người/tháng nếu sử dụng bể bơi và phòng gym.
Mức giá có sự chênh lệch khác nhau giữa các dự án tùy thuộc vào mức độ sử dụng, chất lượng dịch vụ, các hạng mục đầu tư... Tuy nhiên theo tính toán sơ bộ, mỗi hộ dân sống trong các căn hộ cao cấp phải trả cho ban quản lý ít nhất là 4-5 triệu đồng và nhiều nhất có thể lên đến hàng chục triệu đồng/ tháng.
Hưởng chất lượng bình dân
Những tưởng đầu tư một khoản tiền lớn thì có thể đổi lại một cuộc sống tiện ích, sang trọng, chất lượng cao thế nhưng những người đầu tư vào các căn hộ này vẫn không khỏi phiền hà khi liên tục gặp phải những vấn đề đau đầu. Những bức xúc này phần lớn nảy sinh do sự mâu thuẫn trái ngược giữa mức phí dịch vụ quá cao mà người dân phải trả cho chủ đầu tư và chất lượng dịch vụ chỉ ở hạng bình dân mà họ được hưởng.
Đương nhiên đây không phải là tình trạng tại tất cả các khu chung cư cao cấp. Nhưng những chuyện bực mình như phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thang máy thường xuyên gặp sự cố, đèn cháy không thay… tưởng rằng chỉ có ở những khu nhà bình dân thì nay lại xuất hiện cục bộ ở một số khu căn hộ được phong là cao cấp nhất Hà thành.
Điển hình như vụ việc mới đây của cư dân sống tại chung cư Mulberry Lane liên tục gặp phải những vấn đề “khóc dở”. Chuyển về khu căn hộ chưa được một năm nhưng những sự cố thường xuyên xảy ra như thang máy hỏng, thậm chí đã có lần bị rơi tự do 1-2 tầng khiến người dân vô cùng hoảng hốt. Chưa hết, hệ thống báo cháy nhiều lần báo lỗi còn làm người dân mấy phen hú vía.
Thang máy ở chung cư cao cấp Mulberry Lane thường xuyên báo lỗi kỹ thuật khiến người dân bức xúc.
Thang máy ở chung cư cao cấp Mulberry Lane thường xuyên báo lỗi kỹ thuật khiến người dân bức xúc.
Chia sẻ với PV Batdongsan.com.vn, chị Loan, một người dân sống ở tòa E chung cư Mulberry Lane nói: “Trả tiền cao mà dịch vụ tốt thì không nói làm gì. Nhưng có sống ở đây lâu dài mới thấy chất lượng dịch vụ hoàn toàn không xứng đáng với mức phí mà chúng tôi phải chi trả. 300 người sống ở tòa E mà chỉ có 3 thang máy, chưa kể tình trạng hỏng hóc, lỗi kỹ thuật thường xuyên xảy ra.”
Trước đó người dân sống ở tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng từng phẫn nộ trước cách cư xử của ban quản lý căn hộ. Để ép cư dân phải đóng phí “khủng”, ban quản lý tòa nhà Keangnam đã tự ý ngừng cung cấp điện và “treo” thang máy của 400 hộ dân sống ở đây.
Dư luận mới đây lại thêm hoài nghi chất lượng dịch vụ tại các chung cư cao cấp sau khi Thanh tra Sở Y tế xác định, nước sinh hoạt cấp cho các hộ dân tòa nhà Nam Đô Complex (609 Trương Định) “không đảm bảo chất lượng ăn uống, sinh hoạt” và yêu cầu dừng cung cấp nhưng các hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nước bẩn thêm 40 ngày. Kết quả kiểm tra các mẫu nước đều có chỉ tiêu Nitrit/Nitrite vượt quá giới hạn cho phép từ 1,6 đến 3,2 lần theo quy chuẩn Việt Nam.
Những bức xúc này đã dẫn đến những tranh chấp nảy lửa giữa cư dân với chủ đầu tư. Tuy nhiên dường như những cuộc chiến này là không cân sức vì dù sao chủ đầu tư vẫn luôn là người “nắm đằng chuôi”. Dân bức xúc không tuân theo quy định mới, chủ đầu tư sẵn sàng cắt điện, chặn hầm gửi xe… Rút cuộc chính những “thượng đế” lại là những người phải chịu thiệt nhiều nhất.
Theo lời tư vấn của các chuyên gia, trước khi Nhà nước có những chính sách rõ ràng, cụ thể về quản lý chung cư cao cấp thì người dân nên tìm hiểu thật kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng để tránh “tiền mất tật mang” khi đầu tư vào những căn hộ chung cư cao cấp.
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]