Đường Phạm Văn Đồng là một trong những tuyến đường xuyên tâm đẹp nhất của TP.HCM
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, trong năm 2014, thành phố sẽ dành hơn 16.900 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông; trong đó, vốn ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng, vốn ODA hơn 2.300 tỷ đồng, các công trình đầu tư theo các hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... cần hơn 3.600 tỷ đồng; công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình giao thông tại các quận/huyện khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngay trong năm 2014, thành phố phấn đấu đưa vào sử dụng các công trình giao thông cấp bách đúng kế hoạch đề ra như 6 cây cầu mới (Kênh Lộ, Phước Lộc, Lê Văn Sỹ, Kiệu, Bông và Hậu Giang); nạo vét luồng Soài Rạp; đường Vành đai 2; nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13...
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm khác như: Tỉnh lộ 10B (quận Bình Tân); đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn quận Thủ Đức); đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình); các tiểu dự án xây dựng bờ kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh); nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập (quận 7)...
Theo ông Bùi Xuân Cường, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Nếu không huy động kịp thời sẽ khiến nhiều công trình chậm khởi công so với kế hoạch hoặc các công trình đang thi công thì kéo dài chờ vốn, dẫn đến chậm tiến độ và lãng phí.
Trước khó khăn đó, UBND TP.HCM đã có văn bản về việc tạm ứng hơn 100 tỷ đồng vốn ngân sách cho các công trình trọng điểm, cấp bách và có khối lượng hoàn thành cao.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất vay gần 1,2 tỷ USD từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài khóa 2015 - 2017 nhằm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đúng tiến độ quy hoạch.
Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); bổ sung khoảng 300 triệu USD cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); khoảng 260 triệu USD cho dự án xây dựng và hoàn thiện khép kín tuyến đường Vành đai 2…
Việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng là mục tiêu mà TP.HCM đang nhắm đến. Để khuyến khích và tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, UBND thành phố cam kết sẽ tích cực hỗ trợ nhà đầu tư qua việc đề xuất Trung ương được giữ lại phần vượt thu theo kế hoạch thu ngân sách hàng năm (khoảng 5.000 tỷ đồng) để hỗ trợ lãi suất vay cho các nhà đầu tư.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]