Các cơ quan chức năng đã không ít lần cảnh báo về mức độ nguy hiểm của những căn hộ này, nhưng vì nhiều lý do, người dân vẫn chấp nhận sống tại đây chứ không muốn di dời đi nơi khác.
Bất an ngay trong chính nhà mình
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, ngay trước mùa mưa bão 2014, đơn vị này đã tổ chức kiểm định đánh giá chất lượng, hiện trạng 85 chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.
Kết quả, có tới 66 công trình cấp C và 3 công trình ở cấp đặc biệt nguy hiểm - cấp D gồm Đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ, quận Ba Đình (nhà lắp ghép tấm lớn, 5 tầng) do UBND phường Giảng Võ, UBND quận Ba Đình, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội báo cáo nhà nguy hiểm. Nhà tập thể P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ (nhà 2 tầng) do chủ đầu tư công trình Cao ốc quốc tế Hồ Tây (chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 18 phố Thụy Khuê) tổ chức kiểm định, vì trong quá trình thi công gây ảnh hưởng lún, nứt, nghiêng công trình nhà ở 2 tầng P16A Thụy Khuê. Đơn nguyên 1 và 3 chung cư tập thể Bộ Tư pháp, phố Kim Mã Thượng (nhà xây tay, 5 tầng) được kiểm định theo yêu cầu của Sở Xây dựng trong đợt kiểm định 85 chung cư cũ tại Hà Nội năm 2013. Điều đáng lo ngại là nếu không được cải tạo kịp thời, nhiều công trình cấp C sẽ tiếp tục trở thành cấp D.
Hiện nay, các khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Hào Nam, Văn Chương, Khương Thượng, Quỳnh Mai… đều hư hỏng, xuống cấp, cấp nguy hiểm B và C.
Chúng tôi tìm đến khu tập thể P16A Thụy Khuê (Tây Hồ), một trong 3 khu nhà tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội được xếp hạng D (đặc biệt nguy hiểm). Khoảng 2 năm trở lại đây, khu nhà đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Nhà bị lún nghiêng, nhiều căn hộ tường bị nứt… Dẫn chúng tôi đi một vòng để “mục sở thị” về tình trạng xuống cấp của khu nhà, bà Nguyễn Thị Thoa, tầng 2 tòa nhà cho biết, người dân sống tại khu tập thể này đã trên 35 năm, khu nhà tuy cũ nhưng chỉ mới khoảng 2 năm trở lại đây mới xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt dài trên tường các căn hộ, có những vết nứt rộng đến vài cm; các thanh dầm ngang, dọc cũng bắt đầu có hiện tượng nứt.
Cũng nằm trong danh sách 3 khu tập thể cũ xếp hạng D về mức độ nguy hiểm, khu C8 Thành Công, trông còn hãi hùng hơn. Bước chân vào khu vực cầu thang là có thể thấy rõ sự bào mòn của thời gian. Trần nhà, hành lang, cầu thang bị bong tróc, có những chỗ trơ cả lõi sắt. Khu vực hành lang, hộp kỹ thuật, dây diện móc nối loằng ngoằng nguy hiểm ngay sát cầu thang. Khu vực cầu thang, hàng loạt giá đỡ bằng sắt thép được dựng lên để gia cố cho kết cấu của khu nhà đã quá yếu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ngay dưới chân cầu thang là một tấm biển cảnh báo được đánh máy khổ A4 “Khu vực nguy hiểm đang thi công sửa chữa hạn chế đi lại” đã phản ánh sự lo lắng bất an của những hộ dân đang sinh sống tại đây.
Anh Vũ Văn Linh, một cư dân đang sinh sống tại đây lo lắng: “Chung cư này đã được xây dựng quá lâu nên việc xuống cấp là đương nhiên. Tuy nhiên, việc xuống cấp ngày càng nhanh và nghiêm trọng là do cơi nới, làm chuồng cọp đua ra khiến cho kết cấu khu nhà phải chịu thêm nhiều lực tác động. Những mảng vôi vữa rơi xuống rất nguy hiểm, nhất là với trẻ con”. Chị Nguyễn Bích, sống tại tầng 4 đơn nguyên 3 khu tập thể C8 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hơn 30 hộ sống tại đơn nguyên 3 đóng góp mỗi nhà từ 200.000 - 500.000 đồng để sửa chữa khu cầu thang bị nứt. “Thành phố thấy chúng tôi làm rồi cho người xuống sửa chữa. Cảnh chắp vá khiến khu tập thể nhếch nhác lại càng thảm hại”, chị Bích nói.
Nhà C8-Giảng Võ, nơi người dân nhiều năm nơm nớp sống trong sợ hãi vì nguy cơ mất an toàn.
Tập thể cũ “lão hóa” vì cao ốc
Quay trở lại khu tập thể P16A Thụy Khuê được xếp hạng nguy hiểm cấp D (diện bắt buộc phải di dời), đã có 13/29 hộ dân đã dời đi thuê chỗ ở khác. Tuy nhiên sau một thời gian, các hộ dân này cũng đã lại trở về bất chấp nguy hiểm. Nguyên nhân theo phản ánh của các hộ dân việc khu tập thể P16A Thụy Khuê xuống cấp không phải là do công trình “lão hóa” mà do một nguyên nhân khác. Bác Nguyễn Thị Thoa, cư dân khu nhà này cho biết, khu nhà này tuy cũ nhưng chưa có dấu hiệu xuống cấp. Nhưng chỉ hai năm trở lại đây, 29 hộ dân khu tập thể P16A Thụy Khuê sống trong sợ hãi khi nhà bị lún, nứt do việc thi công công trình cao ốc quốc tế Hồ Tây. Trong quá trình thi công, việc đào móng cao ốc khu tập thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như: sụt lún, nghiêng (đã được khảo sát đánh giá cụ thể). Từ đó đến nay, cư dân của khu nhà này đã gửi đơn lên các cấp chính quyền để có phương án xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thoa bức xúc cho biết, khu nhà này cư dân được mua lại của Nhà nước theo Nghị định 61/1994 của Chính phủ từ năm 2006 đến 2009 đến nay đã được cấp sổ đỏ, đây là tài sản hợp pháp của cư dân. Việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu nhà do nguyên nhân xuất phát từ việc xây dựng dự án cao ốc quốc tế Hồ Tây đã được xác định rõ. Do đó chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. “Công trình xuống cấp không phải nguyên nhân do quá cũ mà xuất phát từ nguyên nhân khác do đó không thể sử dụng tiền ngân sách để di dời dân được. Chúng tôi cũng không thể dời đi khi đơn vị gây ra hậu quả chưa giải quyết đền bù cho thỏa đáng được”, bà Thoa cho hay.
Do nhiều mảng tường trong nhà nứt và bị thấm dột mỗi khi trời mưa nên ông Phan Văn Nhuệ, tập thể P16A phải tự mua xi măng về trát. “Không có ai đứng ra sửa chữa nhà cho chúng tôi, dù Công ty cao ốc quốc tế Hồ T ây gây ra hiện tượng này. Chúng tôi đang hoang mang”, ông Nhuệ nói.
Theo Batdongsan.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]