Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chương trình đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 89,7% (năm 2011 tỷ lệ này là 88,6%); giảm tỷ lệ nhà ở đơn sơ xuống còn 0,05%.
Thành phố đầu tư xây dựng khoảng 540.000 m2 sàn, đáp ứng 41.000 chỗ ở cho sinh viên; khoảng 1,6 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuât công nghiệp, thủ công nghiệp (kể cả các cơ sở khai thác, chế biến) của tất cả các ngành, nghề.
Thành phố cũng dành 1,8 triệu m2 sàn, tương đương 20.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức, trong cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân theo quy định của pháp luật về cơ yếu; người có thu nhập thấp và người thuộc diện hộ gia đình nghèo tại khu vực đô thị; đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa, các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ.
Thành phố cũng xây dựng khoảng 1.400 m2 sàn nhà ở công vụ; đầu tư xây dựng bao gồm cả hình thức mua nhà ở thương mại theo Nghị định số 188/2013/NĐ-CP khoảng 1,6 triệu m2 sàn để bố trí tái định cư khoảng 20.000 căn hộ; hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo ở khu vực nông thôn giai đoạn 2 (theo chuẩn nghèo mới).
Đặc biệt, tại Quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho Hà Nội tạm dừng phát triển nhà ở thương mại trong khu vực nội đô đối với với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án; rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trên toàn địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật để xác định các dự án được tiếp tục triển khai, cần điều chỉnh, tạm dừng và phải dừng.
Nguồn vốn từ ngân sách thành phố và Trung ương để đầu tư nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên, nhà ở tái định cư; hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở sẽ khoảng 6.744,6 tỷ đồng (chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư xây dựng đến năm 2015).
Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố sẽ nâng lên 26,3m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 8,5 m2/người), trong đó khu vực đô thị 29,1 m2/người, khu vực nông thôn 22,1 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 91,2%; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà ở đơn sơ.
Đến năm 2030, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, thỏa mãn nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Thành phố cũng đề xuất những cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xanh sạch, hiện đại, bền vững./.
Theo Vietnamplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]