Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định tại Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đây được xem là chính sách kịp thời nhằm tạo cơ hội cho người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi.
Theo đó, từ ngày 1.1.2017, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng đối với các khoản dư nợ cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100 là 5%/năm trong thời gian vay tối thiểu 15 năm.
Người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Chưa biết chờ đến bao giờ
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, hiện thành phố có khoảng nửa triệu hộ chưa có nhà; khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Chỉ tính riêng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, tương đương với khoảng 80.000 căn hộ.
Chính vì vậy, rất nhiều người có nhu cầu được vay nguồn vốn ưu đãi để mua, thuê nhà. Chị Nguyễn Hoàng Thu, nhân viên một cơ quan hành chính tại quận 2, TP.HCM, chia sẻ đang mong chờ được tiếp cận vốn vay ưu đãi hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị định 100.
Tư vấn vay vốn mua nhà cho người thu nhập thấp tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Chị Thu nói: “Tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng tôi chỉ vỏn vẹn 13 triệu đồng. Trừ đi chi phí ăn uống, điện nước, điện thoại, tiền học cho hai đứa con…, cùng lắm tích lũy được 3 triệu đồng/tháng. Nếu không được vay với lãi suất ưu đãi 5% thì kế hoạch mua nhà để an cư lạc nghiệp của những người nghèo như chúng tôi chỉ mãi là một giấc mơ”.
Đồng cảnh ngộ, anh Phạm Tùng, nhà ở quận 9, TP.HCM kể có nghe đại diện một công ty làm dự án nhà ở xã hội cho biết: Những trường hợp đã làm đầy đủ thủ tục hồ sơ nhưng chưa kịp vay gói 30.000 tỉ đồng như tôi sẽ có cơ hội được ưu tiên vay gói vay mới tại Nghị định 100. Thế nhưng đến giờ này đã gần ba tháng trôi qua và tôi “gõ cửa” một số ngân hàng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
“Họ bảo tôi phải chờ và chưa biết chính xác đến khi nào mới triển khai cho vay gói ưu đãi trên” - anh Tùng buồn rầu.
Thiếu tiền cho vay
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, cho biết sau khi có quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như tập huấn cho cán bộ để triển khai thực hiện việc cho vay với những người thu nhập thấp khi mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Minh, đến thời điểm hiện tại ngân hàng này chưa nhận được nguồn vốn từ NHNN. Do đó việc triển khai vay vốn từ gói lãi suất ưu đãi trên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được trên thực tế.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng chương trình trên đang bị ách tắc vì các cơ quan chức năng chưa bố trí được nguồn vốn. Lý do là theo quy định tại Nghị định 100 thì ngân sách nhà nước phải cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay ưu đãi. Song nguồn tiền này chưa có.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định với mặt bằng lãi suất cho vay hiện dao động 7%-12%/năm tùy từng ngân hàng thì mức lãi suất ưu đãi 5% là một con số rất tích cực. Tuy vậy rất khó tìm được nguồn vốn để cho người nghèo mua, thuê mua nhà ở xã hội… vay mức lãi suất 5%.
“Nếu các ngân hàng cho vay 5% thì vốn huy động phải ở mức 3% nhưng thực tế thì khó có thể huy động được vốn giá rẻ ở mức trên. Chính vì vậy, nếu thực hiện cho vay 5% theo yêu cầu của Chính phủ thì chỉ có lỗ nên không ngân hàng nào dám làm. Điều này có nghĩa là các tổ chức tín dụng chỉ có thể triển khai được chính sách trên khi Nhà nước tái cấp vốn hoặc cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách” - ông Hiếu nói thêm.
Đại diện một công ty bất động sản cũng cho rằng khó khăn nhất hiện nay là tìm được nguồn vốn giá rẻ để giúp các doanh nghiệp và người có nhu cầu về nhà ở được vay nguồn vốn ưu đãi. Trong khi đó lại đang thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội.
Khan hiếm nhà xã hội cho thuê Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiện nay TP.HCM đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê và loại căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ 1-3 triệu đồng/tháng. “Dự báo nhu cầu nhà ở, trong đó phần lớn là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn” - ông Châu nói. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, cho rằng để chính sách vay lãi suất 5%/năm đi vào cuộc sống thì cần quy định mức lãi suất này chỉ áp dụng cho nhà ở xã hội xây cho thuê và cho những căn hộ có giá rẻ 200-300 triệu đồng, diện tích khoảng 20-25 m2. Bởi nếu mở rộng đối tượng thì Nhà nước không đủ nguồn vốn giá rẻ. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]