Trầm cảm là một bệnh lý thần kinh phổ biến ở người cao tuổi. Xã hội ngày càng hiện đại thì tỉ lệ người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm ngày càng cao và gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người bệnh cũng như người thân. Vậy bệnh trầm cảm là gì và nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người cao tuổi đến từ đâu?
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp do sự tác động của các chất dẫn truyền thần kinh tới các phần của não. Bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần, gây rối loạn về nhận thức và trí nhớ ở người bệnh. Bệnh trầm cảm bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng hay gặp nhất là ủ rủ, buồn bã người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống.
Người bệnh trầm cảm thường cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống.
Nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi
Các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nên trầm cảm có thể được chia thành hai nhóm chính: nguyên nhân thực thể và yếu tố tâm lý.
Các nguyên nhân thực thể hay gặp:
- Sinh lý: Ở người cao tuổi xuất hiện sự suy giảm chức năng các cơ quan thường mắc nhiều bệnh, sức khỏe suy yếu. Thị giác và thính giác bị ảnh hưởng nhiều nên hạn chế việc tiếp nhận thông tin. Do vậy, người cao tuổi bị hạn chế về giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống. Các hoạt động công việc, vui chơi giải trí hằng ngày giảm gây nên những biến đổi về tâm lí.
- Các bệnh thực thể: Người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính như tai biến mạch máu mão, tuyến giáp, đái tháo đường, cao huyết áp… các bệnh này làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lí người bệnh. Nhất là khi bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, alzheimer... Các bệnh này trở thành nỗi ám ảnh ở người cao tuổi.Và rất dễ dẫn đến các biểu hiện của bệnh trầm cảm như lo lắng bi quan, nghi ngờ, cáu kỉnh. Việc xuất hiện tình trạng trầm cảm làm cho các bệnh ban đầu càng nặng thêm và ngược lại tạo thành một vòng luẩn quẩn không thoát ra được.
- Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng nhiều thuốc để điều trị các bệnh ở người cao có tuổi có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi, uống càng nhiều thuốc thì tác dụng phụ xảy ra càng nhiều. Một số thuốc có tác dụng phụ gây ra trầm cảm như thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau,... Tương tác thuốc khi uống nhiều loại thuốc cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm.
- Rượu: Uống rượu quá nhiều là một nguyên nhân gây ra trầm cảm, uống rượu trong thời gian sử dụng một số thuốc cũng gây ra hậu quả bất lợi và làm cho trầm cảm trầm trọng hơn.
- Dinh dưỡng: Thiếu hụt vitamin trong chế độ ăn, ít vận động đặc biệt ở những người có bệnh ở các cơ quan vận động cũng là một nguyên nhân gây trầm cảm ở những người cao tuổi.
- Yếu tố sinh lý, sinh hoá: Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng sinh hoá các chất trong cơ thể, gây nên những thay đổi về thể chất và tâm lí ở người cao tuổi.
- Yếu tố di truyền: Khi có người thân bị trầm cảm thì nguy cơ bị trầm cảm cũng tăng lên. Trong trường hợp là hai người sinh đôi cùng trứng, nếu một người bị trầm cảm thì người kia có đến 70% nguy cơ bị trầm cảm.
Các yếu tố tâm lí
Các yếu tố tâm lí ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm
- Người cao tuổi thường có cảm giác đau khổ, bất lực trước những khó khăn trong cuộc sống, nhất là những bất ổn về kinh tế, tài sản, tiền bạc, sự thay đổi môi trường sống, nơi ở. Người cao tuổi càng khó thích nghi với cuộc sống mới thì tâm trạng ngày càng buồn chán, thất vọng, bi quan.
- Những biến cố trong gia đình, sự bất hòa giữa các thành viên, đặc biết trong gia đình có nhiều thế hệ, tâm lí người trẻ và người cao tuổi có sự khác biệt lớn. Người cao tuổi thường cảm thấy mất dần vai rò trong gia đình, cảm thấy bản thân vô giá trị, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đặc biệt ở những người cao tuổi có lòng tự trọng thấp hoặc quá nhạy cảm.
- Cảm giác cô đơn thường hay xuất hiện ở người cao tuổi, đặc biết với những người không được người thân quan tâm chu đáo, hoặc những người sống một mình, không nơi nương tựa, bị mất người thân.
Việc hiểu biết về bệnh trầm cảm, các nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ giúp cho người cao tuổi cũng như người thân sớm phát hiện được bệnh, có phương pháp phòng bệnh và điều trị hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]