Sâu răng là một bệnh ở tổ chức cứng của răng. Đặc điểm của bệnh là làm tiêu dần các chất vô cơ, hữu cơ ở men răng và ngà răng, viêm tủy răng, viêm khớp răng (viêm quanh cuống răng). Bệnh nhân đau nhiều, ảnh hưởng lớn đến ăn, ngủ và gây khó chịu cho bệnh nhân.
Sâu răng
Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây sâu răng
- Đường: người ta đã chứng minh được rằng thức ăn có nhiều đường sẽ dễ dẫn đến sâu răng. Những người ăn chủ yếu là mỡ và thịt lại rất ít bị sâu răng.
- Vi khuẩn: các nhà khoa học đã chứng minh rằng vi khuẩn trong miệng chính là nguyên nhân gây sâu răng. Trong miệng, vi khuẩn tập trung ở các mảng bám răng hay cao răng (các mảng bám răng có tới 70% trọng lượng là vi khuẩn). Các mảnh thức ăn không được vệ sinh sạch sau 24h sẽ liên kết với vi khuẩn tạo thành mảng bám răng. Các mảng bám răng không được vệ sinh sau 14 ngày sẽ tạo thành cao răng. Vi khuẩn trong miệng sẽ phân hủy đường thành acid lactic gây tiêu calci ở men răng, từ đó gây sâu răng.
- Do răng: chất lượng men răng và ngà răng phụ thuộc vào hàm lượng các chất vô cơ, hữu cơ, trong đó đặc biệt là calci. Ngoài ra, Fluor có tác dụng bảo vệ men răng rất tốt. Những người có chất lượng men và ngà răng tốt sẽ ít có nguy cơ bị sâu răng hơn những người khác.
Sâu răng ở người cao tuổi thường cao hơn những lứa tuổi khác do chứng khô miệng ở người già hoặc việc phải sử dụng nhiều thuốc nên gặp tác dụng không mong muốn của một số thuốc điều trị các bệnh khác. Tâm lý “già thì răng rụng” khiến vấn đề vệ sinh răng miệng bị xem nhẹ. Đó chính là nguyên nhân khiến thức ăn bám vào gây sâu răng. Hơn nữa, chất lượng men răng và ngà răng của người cao tuổi không còn tốt như người trẻ khiến đối tượng này càng dễ bị sâu răng hơn.
Thức ăn nhiều đường dễ gây sâu răng
Triệu chứng sâu răng
Sâu răng được chia làm 3 giai đoạn: sâu men, sâu ngà nông và sâu ngà sâu. Mỗi giai đoạn lại có những triệu chứng khác nhau.
Sâu men: trên bề mặt răng có điểm đổi màu men răng (trắng đục như nước vo gạo hoặc vàng nâu). Đây là giai đoạn mới chớm sâu răng nên hầu như không có cảm giác đau hay ê buốt răng khi ăn nóng, lạnh hoặc chua ngọt.
Sâu ngà nông: tại lỗ sâu có ngà mủn, màu vàng hoặc nâu đen, độ sâu của lỗ sâu < 2mm. Khi bị kích thích bởi nóng, lạnh hoặc chua ngọt thì cảm thấy ê buốt ở răng sâu nhưng ngừng kích thích thì sẽ hết ê buốt ngay.
Sâu ngà sâu: lỗ sâu từ 2-4mm, nạo lỗ sâu thấy ê buốt và có ngà mủn. Cảm thấy ê buốt khó chịu khi bị kích thích nóng, lạnh hoặc chua ngọt. Cảm giác ê buốt kéo dài 30 giây đến 1 phút sau khi ngừng kích thích.
Quá trình phát triển của sâu răng
Vi khuẩn hoạt động dưới mảng bám răng phân hủy và lên men đường thành acid. Acid phá hủy men răng tạo thành màu trắng đục như nước vo gạo hoặc màu vàng nâu.
Nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì acid tiếp tục phá hủy lớp ngà răng tạo thành lỗ sâu. Sau đó lỗ sâu ngày càng sâu và rộng ra.
Khi phá hủy qua lớp ngà, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tủy răng gây viêm tủy. Nếu tiếp tục không điều trị dẫn tới tủy chết, vi khuẩn lan tới cuống răng gây ra viêm quanh cuống răng.
Triệu chứng sâu răng ở người già không khác biệt nhiều so với người trẻ. Tuy nhiên, các triệu chứng đau răng, ê buốt răng lại ảnh hưởng đến cuộc sống người già hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, tình trạng sức đề kháng yếu cộng với vấn đề vệ sinh răng miệng chưa tốt dễ khiến sâu răng tiến triển nhanh hơn và dễ dẫn đến các biến chứng hơn. Do đó khi xuất hiện các các dấu hiệu sâu răng, cần đến ngay các cơ sở y tế hoặc phòng khám nha khoa để khám và sớm có biện pháp xử trí kịp thời trước khi bệnh vào giai đoạn muộn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]