Run, cứng cơ, đi lại khó khăn, đứng không vững là những dấu hiệu hay gặp nhất ở người mắc hội chứng Parkinson. Ở giai đoạn cuối, người bệnh sẽ hoàn toàn kiệt sức và trở nên tàn phế. Nhận biết các dấu hiệu của bệnh sẽ hạn chế được những tai nạn do Parkinson cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm gánh nặng cho người thân.
Nguyên nhân hội chứng Parkinson
Hội chứng Parkinson là một rối loạn thần kinh có tỉ lệ mắc cao ở người cao tuổi. Nguyên nhân cụ thể chưa rõ nhưng có mối liên hệ giữa yếu tố di truyền và các tác động từ môi trường với Parkinson. Các yếu tố trên dẫn đến sự sụt giảm chất dẫn truyền thần kinh trong não, từ đó dẫn đến bệnh nhân không kiểm soát được các hoạt động của cơ thể, hậu quả là việc vận động của khó khăn, trí nhớ giảm sút, khả năng tập trung cũng không được cao.
Dấu hiệu thường xuất hiện nhất ở người mắc hội chứng Parkinson
Run
Run là một trong những dấu hiệu đặc trưng của Parkinson. Ban đầu, người bệnh thấy run nhẹ ở các đầu ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân, có khi chỉ thấy run ở ngón tay cái, run chỉ thường xuất hiện ở một nửa bên người.
Do chỉ run nhẹ nên sẽ khó nhận ra. Dần dần, khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân sẽ run thường xuyên hơn và xuất hiện ở nhiều bộ phận hơn như mặt, nhất là môi, lưỡi, đôi khi run cả hàm dưới và cằm. Nếu bạn có những biểu hiện trên thì cần nghĩ đến khả năng có thể mình đã mắc bệnh Parkinson.
Dấu hiệu của hội chứng Parkinson
Cứng cơ
Bạn sẽ thấy cứng cơ ở bất kỳ phần nào của cơ thể. Thường bắt đầu ở chân và cổ.
Khi sờ nắn các bắp cơ như bắp tay, bắp chân sẽ thấy cứng, căng. Việc co duỗi các cơ như tay, chân khó khăn và không được tự nhiên. Đặc biệt, nếu có giảm vung vẩy tay khi đi bộ thì có thể nghi ngờ mắc Parkinson.
Đau vai cũng là một dấu hiệu cần chú ý. Người già thường hay mắc các bệnh về xương khớp, cũng có thể gây đau vai, nhưng khi bạn thấy đau xương khớp kéo dài, kể cả khi dùng thuốc mãi nhưng không thấy đỡ thì cần lưu ý đến khả năng mình mắc bệnh Parkinson.
Cử động khó khăn
Người mắc bệnh Parkinson thường có dáng vẻ sững sờ, bất động. Mặt thường không biểu lộ cảm xúc nhiều, nhiều người gọi là “mặt như tượng”. Họ cũng gặp khó khăn trong việc nháy mắt, khóc hay cười.
Nếu có bất kì sự thay đổi trong giọng nói thì bạn cũng cần lưu ý, như giọng trở nên khàn hơn hay giọng nói khác đi so với bình thường. Môi, lưỡi cử động chậm, nói ngắt nghỉ không đúng nhịp, nghe không tự nhiên.
Viết chữ cũng khó khăn hơn, do khi mắc bệnh Parkinson, các ngón tay sẽ khó cử động, nhiều khi thấy cứng đờ, chữ viết sẽ bị thay đổi, có thể nhỏ hơn hoặc viết sít hơn.
Gặp khó khăn trong giữ thăng bằng và di chuyển
Người bệnh Parkinson thường đầu và thân chúi về phía trước, tay gấp và khép lại, lưng khom khi di chuyển. Họ thường đứng không vững và khó giữ được thăng bằng, khi bệnh nặng hơn thì có thể dễ ngã có thể gây ra những tai nạn nghiêm trọng.
Người Parkinson gặp khó khăn khi di chuyển
Khi đi bộ, hai chân như dán trên mặt đất, bước đi từng bước ngắn và chậm hơn bình thường, nhìn dáng đi không còn được mềm mại và tự nhiên như người bình thường. Sau đó họ đi nhanh hơn và không thể dừng lại được. Đây cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng để sớm phát hiện bệnh.
Ngoài những triệu chứng trên, bạn cũng nên lưu ý đến các biểu hiện sau:
- Cảm thấy đau đớn nhiều chỗ, không chịu được nóng bức, nhiều lúc đứng ngồi không yên.
- Ra nhiều mồ hôi, tăng tiết bã nhờn, chảy nước dãi, táo bón, phù, tím tái các đầu ngón chân, tay
- Nhìn mờ, nhìn đôi, khô mắt, đóng mở mi mắt không theo ý mình.
- Hạ huyết áp, có thể dẫn tới choáng váng và ngất xỉu.
- Tâm trạng và tính khí thay đổi thất thường, hay căng thẳng và cảm thấy mệt mỏi, có thể dẫn tới trầm cảm.
Bạn cũng như người thân cần biết rõ các triệu chứng hay gặp của bệnh. Việc sớm phát hiện bệnh, kịp thời chẩn đoán sẽ giúp tìm ra liệu pháp điều trị phù hợp cũng như các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân và sự quan tâm chăm sóc của gia đình, tránh gặp phải các tai nạn nghiêm trọng làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng như người thân.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]