Dâm bụt (còn gọi là cây Bông bụp - tiếng miền Nam) là loại cây nhỡ, cao từ 1 đến 2m, lá đơn, mọc cách, phiến lá khía răng cưa. Hoa dâm bụt to, màu đỏ hồng, cũng có loại màu trắng hồng, màu vàng, hoa thường mọc ở nách lá hay đầu cành. Hoa dâm bụt là một loại thảo dược có nhiều công dụng, thường mọc ở vùng nhiệt đới. Cây dâm bụt còn cho lá, hoa, rễ làm thuốc.
Theo Đông y, lá dâm bụt vị nhạt, nhớt, tính bình, có tác dụng làm dịu, an thần, tẩy nhẹ, nhuận tràng, chữa viêm niêm mạc dạ dày, ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt, ghẻ lở, mộng tinh, đới hạ. Hoa dâm bụt vị ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng, chữa kinh nguyệt không đều, khó ngủ, hồi hộp, đái đỏ. Vỏ rễ dâm bụt vị ngọt, tính bình, có tác dụng điều kinh, chống ho tiêu viêm, chữa viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc, viêm khí quản,viêm đường tiết niệu, viêm cổ tử cung, bạch đới, kinh nguyệt không đều, mất kinh. Ngoài ra hoa dâm bụt còn chữa được một số bệnh như:
Kiểm soát huyết áp
Tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ) năm 2010 đã báo cáo một nghiên cứu về tính năng kiểm soát huyết áp đối với những người có huyết áp cao hoặc tăng huyết áp nhẹ ở độ tuổi từ 30-70 tuổi. Kết quả cho thấy những người uống 3 tách trà dâm bụt/ ngày đã có kết quả tốt hơn so với những người không uống loại trà này. Những người có huyết áp cao lúc bắt đầu nghiên cứu, sau khi uống trà đã giảm được huyết áp đáng kể.
Ngăn ngừa bệnh tim
Những hợp chất hoá học được chiết xuất từ cây dâm bụt sẽ giúp kiểm soát lượng cholesterol trong máu, do đó ngăn ngừa được bệnh tim.
Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố cây dâm bụt có tác dụng tốt cho tim người giống như Rượu vang đỏ và Trà. Nó chứa các chất chống oxy hoá có tác dụng kiểm soát lượng cholesterol và giảm nguy cơ bị bệnh tim.
Chữa bệnh tiểu đường
Theo kết quả công bố trong thông tin nghiên cứu, một hợp chất được chế biến từ hoa dâm bụt có thể khôi phục lại độ nhạy cảm insulin giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Các axit ferulic, một trong những chất polyphenol có trong dâm bụt là một loại “thuốc” trị liệu cho bệnh tiểu đường.
Sốt hay cảm cúm
Bạn bị cảm lạnh hay cảm cúm? Hãy lấy một số lá cây dâm bụt khô nấu trong nước sôi và nhâm nhi cả ngày như trà vậy. Các thành phầm giúp làm bớt đau và chống viêm giảm viêm màng nhầy, giúp cơn cảm cúm của bạn thuyên giảm.
Rụng tóc
Các cánh hoa của dâm bụt được sử dụng như một phương thuốc cổ xưa để kiểm soát rụng tóc. Bôi dầu hoa dâm bụt giúp tăng cường tóc vì các vitamin C và canxi có trong nó thúc đẩy mọc tóc nhanh. Massage nhẹ nhàng kích thích lưu thông máu và làm cho sự hấp thụ các chất dinh dưỡng trong da đầu dễ dàng.
Chống lão hóa tóc
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí châu Á về khoa học sinh học thực nghiệm rằng hoa dâm bụt cho biết, chúng có hiệu quả trong việc trì hoãn “tuổi già” của tóc. Đun một ít hoa dâm bụt trong nước khoảng 20 phút và sau đó để nước nguội và xoa lên da đầu. Rửa sạch sau 20 phút sử dụng dung dịch.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]