Quá trình lão hoá – Thủ phạm sinh bệnh
Có tới 90% người sau 50 tuổi mắc một trong các bệnh lý liên quan đến tim mạch, cao huyết áp và thiếu máu não. Tại sao lại như vậy? Đây chính là do quá trình lão hóa của cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cơ quan của con người.
Khi trẻ, các mạch máu có khả năng đàn hồi, co giãn tốt, tim sẽ dễ dàng co bóp, đẩy máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, mạch máu ngày càng trở nên cứng, kém đàn hồi, cùng với đó là các mảng xơ vữa bám chặt vào lòng mạch gây tắc hẹp khiến tim dù co bóp cũng khó lòng vận chuyển máu tới khắp cơ thể.
Đầu tiên, những thay đổi này sẽ gây bệnh tăng huyết áp. Người cao tuổi thường có huyết áp tâm thu (số trên) cao nhưng huyết áp tâm trương (số dưới) lại thấp, 2 con số này chênh lệch nhau nhiều dễ gây các bệnh tim mạch.
Cùng với đó, khi mạch máu bị xơ cứng, giảm đàn hồi, ngăn cản dòng máu đi qua, tất yếu tim phải tăng co bóp. Theo thời gian, sự hoạt động tăng lên sẽ khiến tim bị dày lên. Tim càng dày thì càng cần nhiều máu nuôi. Trong khi đó, các mạch máu bị xơ vữa ngày càng hẹp, gây ra thiếu máu cơ tim, nặng hơn nữa là nhồi máu cơ tim. Hậu quả cuối cùng là suy tim.
Tình trạng hẹp lòng mạch còn làm giảm lượng máu lên não, gây hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, mất thăng bằng nhất là khi thay đổi tư thế; thiếu máu não cũng gây mất ngủ, kém tập trung… . Và nếu có huyết khối gây bít tắc 1 động mạch là có thể gây suy hô hấp, suy tuần hoàn và tử vong nhanh chóng. Đó là lý do vì sao thiếu máu não là bệnh lý được xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch.
Lối sống “chế ngự” bệnh tật
Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, mặc dù bệnh huyết áp, tim mạch và thiếu máu não gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng người cao tuổi hoàn toàn có thể sống vui, sống khoẻ với bệnh huyết áp, tim mạch và thiếu máu não khi tuân thủ các nguyên tắc sau:
Đối với người cao tuổi mắc chứng tăng huyết áp, mắc các bệnh lý tim mạch, thiếu máu não, việc khám định kỳ và sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà 2 lần/ngày, buổi sáng sớm khi ngủ dậy và sau ăn trưa 1 tiếng. Huyết áp lý tưởng là 120/80mmHg. Việc kiểm tra huyết áp định kỳ tại nhà sẽ giúp tránh “hiệu ứng áo choàng trắng” (huyết áp luôn tăng cao hơn khi gặp bác sĩ).
Nếu có thói quen hút thuốc thì cần giảm dần và bỏ thuốc. Bởi trong thuốc lá có chất nicotine, làm giảm oxy trong máu và tổn thương niêm mạc của các mạch máu.
Cần tích cực tập luyện thể dục thể thao theo sức của mình với thời gian tối đa 30 - 60 phút mỗi ngày để thúc đẩy tuần hoàn máu, duy trì cân nặng hợp lý và tăng cường sức khoẻ toàn cơ thể. Chú ý không dậy quá sớm và tập ngoài trời vào mùa đông vì có thể gây co mạch máu, gây tăng huyết áp.
Khi thức giấc không nên ngồi dậy đột ngột để tránh co mạch, gây thiếu máu não đột xuất. Cần nằm tĩnh dưỡng rồi nghiêng người và từ từ ngồi dậy.
Chế độ ăn cần tăng cường rau quả, ngũ cốc, hạn chế các chất béo no và đặc biệt là muối (chỉ nên tối đa là 5g muối/ngày). Bởi nghiên cứu cho thấy cứ giảm 1g muối sẽ giúp giảm 1 triệu ca tử vong liên quan đến huyết áp. Cần lưu ý là không nên kiêng khem các chất béo, tinh bột, đạm quá mức vì có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Người cao tuổi cũng không nên tắm nước lạnh khi đi ngoài nắng về. Mùa lạnh tránh nằm nơi gió lùa.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]