Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu là bệnh lý khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở những nước nghèo. Người cao tuổi ở Việt Nam đã từng sống qua giai đoạn mà kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, chế độ dinh dưỡng của đa số người dân không được đảm bảo. Khi còn trẻ, sức khỏe còn tốt, việc ăn uống thiếu chất chưa thể hiện ảnh hưởng một cách rõ nét đến sức khỏe. Điều đó khiến người già có suy nghĩ “trước ăn vậy có sao đâu”. Tuy nhiên, việc duy trì một chế độ ăn đơn điệu, thiếu chất cộng với việc dễ mắc nhiều bệnh ảnh hưởng đến hệ tạo máu (các bệnh gan, thận…) khiến người cao tuổi trở thành đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu máu.
Các triệu chứng của căn bệnh này như choáng váng, đau ngực,…cũng rất nguy hiểm với người già. Do đó để tránh những hậu quả không đáng có do thiếu máu gây ra, người cao tuổi nên bắt đầu quan tâm đến chế độ ăn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho hệ tạo máu.
Ở Việt Nam, thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với thiếu các chất khác như vitamin B12, acid folic,… Do đó, chế độ ăn bổ sung sắt cần được quan tâm nhiều hơn.
Chế độ dinh dưỡng trong điều trị thiếu máu thiếu sắt bao gồm: đủ năng lượng, giàu đạm nguồn động vật, đủ vitamin C, hạn chế các thực phẩm ảnh hưởng đến hấp thu sắt và chế biến thực phẩm để đảm bảo hấp thu các chất tốt hơn.
Nguồn thực phẩm giàu sắt
- Trứng các loại (trứng gà, trứng vịt): lòng đỏ trứng giúp tái tạo máu và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
- Gan (bò, lợn, gà, vịt, ngan) và các nội tạng khác (tim, thận): Gan được coi là thực phẩm lý tưởng để bổ sung sắt cho những người đang mắc bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, trong gan heo có một số độc tố nên mỗi tuần cũng chỉ nên ăn 2-3 lần, mỗi lần từ 50-70 g với người lớn.
- Thịt các loại: bò, lợn, gà, vịt.
- Cá, thủy sản: bao gồm cua biển, tôm, cá thu, trai, hàu, cá mòi, cá cơm.
- Các loại rau lá màu xanh như cần tây, rau đay, rau dền các loại, xương xông, lá lốt, rau ngót, rau bí, rau cải xanh, cải xoong...
- Quả chín: đu đủ, táo tây, hồng xiêm, lê...
- Đậu đỗ như đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ xanh.
- Các loại thực phẩm tăng cường sắt như bánh bích quy bổ sung sắt, các loại ngũ cốc ăn liền, nước mắm bổ sung sắt, bột mỳ bổ sung sắt, sữa có bổ sung sắt.
- Gạo lứt nhiều sắt hơn gạo xay xát kỹ
Các thực phẩm giàu sắt
Các thực phẩm ảnh hưởng hấp thu sắt
Một số thực phẩm không chứa sắt nhưng khi ăn cùng với các loại thực phẩm giàu sắt có thể giúp tăng hấp thu sắt hơn. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt (có trong bưởi, cam, chanh, ổi, dâu tây, nhãn, quýt, ớt, cà chua...). Một cách khác để tăng hấp thu sắt từ nguồn gốc thực vật là ăn cùng thịt trong bữa ăn, thịt cũng là nguồn thực phẩm giàu sắt.
Một số loại thực phẩm ăn vào có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt. Uống cà phê hoặc trà khi ăn có thể làm giảm hấp thu sắt từ 50 - 60%. Phytat trong một số loại ngũ cốc, đậu đỗ, phosphat trong nước coca cola có thể gây trở ngại cho sự hấp thu sắt. Calci cũng có thể làm giảm hấp thu sắt trong bữa ăn, tuy nhiên chỉ nhận thấy các ảnh hưởng khi bổ sung calci với hàm lượng cao hơn là với chế độ ăn giàu calci.
Bên cạnh chế độ ăn bổ sung sắt, người cao tuổi cũng nên đi khám định kì để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và nhận được các lời khuyên từ các bác sĩ. Cần nhớ rằng, phòng bệnh khi nào cũng hơn chữa bệnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]