Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm thính lực trong đó thuốc là một nguyên nhân gây điếc phổ biến. Là đối tượng dễ mắc bệnh, người cao tuổi thường xuyên phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Nhiều thuốc trong số đó có khả năng gây hại cho tai. Một số loại thuốc sau đây được biết đến là tác nhân gây điếc phổ biến, cần phải chú ý khi sử dụng.
Kháng sinh nhóm aminoglycoside
Kháng sinh nhóm aminoglycoside ảnh hưởng đến thính lực
Nhóm này gồm nhiều kháng sinh như Neomycin, Gentamycin, Streptomycin, Amikacin,…
Chúng được sử dụng chủ yếu để điều trị một số bệnh như nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiêu hóa,... Đây là nhóm thuốc có nguy cơ gây độc cho tai lớn nhất.
Neomycin là kháng sinh gây hại nhất cho tai. Chỉ cần dùng uống hay bôi Neomycin với liều cao cũng có thể gây điếc. Do đó cần rất thận trọng với kháng sinh này nếu được bác sĩ chỉ định, tránh dùng quá liều. Bên cạnh Neomycin, Amikacin và Kanamycin cũng là 2 kháng sinh nhóm này gây độc mạnh cho tai.
Streptomycin là kháng sinh được dùng trong phác đồ điều trị lao. Thuốc gây rối loạn tiền đình, ốc tai, gây ù tai, giảm thính lực và nguy hiểm nhất là gây điếc không có khả năng hồi phục. Gentamycin cũng gây ra tác dụng phụ tương tự Streptomycin nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Có tới 10% trường hợp bị ngộ độc tai, suy giảm thính lực do dùng nhóm kháng sinh aminoglycosid. Nguy cơ bị ngộ độc tai, suy giảm thính lực do aminoglycoside tăng nếu bệnh nhân có trước một trong những yếu tố sau:
- Tuổi cao
- Suy yếu chức năng thận
- Tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn
- Đã từng dùng aminoglycoside.
Ngoài độc tính trên tai, độc tính trên thận của nhóm thuốc này cũng rất đáng được chú ý.
Các kháng sinh khác
Bên cạnh các kháng sinh nhóm aminoglycoside, Erythromycin cũng là kháng sinh dễ gây độc cho thính giác. Khi dùng thuốc với liều cao sẽ dẫn đến một số triệu chứng như ù tai, chóng mặt và nặng nhất là điếc. Các triệu chứng này sẽ giảm và hết nếu ngưng thuốc kịp thời.
Ampicillin hay Cloramphenicol khi dùng điều trị ở liều cao có thể gây suy giảm thính lực. Các kháng sinh như viomycin, vancomycin, capreomycin cũng có nguy cơ gây điếc.
Triệu chứng suy giảm thính lực do các kháng sinh này gây ra có thể là nghe kém, ù tai hoặc chóng mặt. Nếu dùng quá liều lâu ngày có thể gây điếc không hồi phục, gây tổn thương cả ốc tai và tiền đình.
Thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henle
Các thuốc trong nhóm này bao gồm Furosemide, acid ethacrynic và bumetanid. Đây là những thuốc được dùng phổ biến trong điều trị phù do các bệnh gan, thận, phổi, suy tim trái cấp và suy tim mạn tính có phù đã kháng với các thuốc lợi tiểu khác.
Các thuốc nhóm này gây độc cho dây thần kinh số VIII (thần kinh thính giác) do đó gây ù tai, chóng mặt hoặc nguy hiểm hơn là có thể gây điếc. Độc tính trên tai của nó tăng lên khi dùng cho người cao tuổi, người suy gan, suy thận hoặc dùng phối hợp với các kháng sinh nhóm aminoglycoside.
Thuốc chống viêm, giảm đau
Các loại thuốc giảm đau
Người già dễ mắc các bệnh như đau xương, khớp do đó thường tự ý sử dụng nhóm thuốc chống viêm, giảm đau. Nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc cũng theo đó mà tăng lên.
Salicylat thường gây ù tai và giảm thính lực, nhưng có khả năng hồi phục.
Aspirin liều cao cũng gây ù tai và giảm thính lực ở tần số cao, thường phục hồi sau khi ngừng thuốc.
Các thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Indomethacin, Piroxicam... cũng có tác dụng làm suy giảm sức nghe, gây điếc.
Ngoài các nhóm thuốc trên, một số thuốc khác như thuốc chống sốt rét, thuốc chống ung thư,... cũng gây độc tính trên tai ở các mức độ khác nhau.
Người cao tuổi là đối tượng thường phải sử dụng nhiều thuốc. Do đó để đảm bảo an toàn cho bản thân, đừng bao giờ tự ý sử dụng thuốc và hãy luôn thông báo cho bác sĩ các thuốc đang sử dụng.
Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc có hại cho thính giác, bệnh nhân cần được đo thính lực thường xuyên trong thời gian dùng thuốc (đặc biệt là kháng sinh). Trong và sau thời gian dùng thuốc, nếu xuất hiện các biểu hiện như ù tai, nghe kém, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]