Trứng
Dị ứng trứng thường xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ còn rất nhỏ. Tuy nhiên, tin vui là theo các chuyên gia y tế, hiện tượng này sẽ hết dần theo thời gian đến khi trẻ 5 tuổi. Mặc dù vậy, một số ít trẻ đã qua độ tuổi này vẫn bị dị ứng khi ăn trứng.
Các chuyên gia cùng giải thích cho hiện tượng này như sau: Trẻ bị dị ứng với trứng (hay bất kỳ loại thức ăn nào) là phản ứng của hệ miễn dịch với protein, thường là trong lòng trắng trứng. Cơ thể trẻ cho rằng đó là loại protein có hại và "phát" ra những tín hiệu chống lại.
Dấu hiệu cho thấy trẻ bị dị ứng thông thường là khó thở, ho, cổ họng khó chịu, đau bụng, nôn ói và/hoặc tiêu chảy, tụt huyết áp, nổi mề đay, mẩn ngứa, mắt sưng, phù nề. Trong một số trường hợp, dị ứng trứng còn gây ra sốc phản vệ, bắt đầu từ những dấu hiệu như trên nhưng nhanh chóng trở nên tồi tệ. Nếu không được điều trị kịp thời, sốc phản vệ có thể gây tử vong.
Nếu bạn muốn cho trẻ tập ăn trứng, trước hết hãy bắt đầu ăn lòng đỏ. Nếu trẻ không có dấu hiệu dị ứng thì có thể duy trì ăn thường xuyên nhưng chỉ sau một tuổi, trẻ mới nên được ăn lòng trắng. Trong trường hợp xảy ra dị ứng, bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ Nhi để được điều trị và tư vấn kịp thời. Ngoài ra, nếu bé bị dị ứng trứng thì bạn nhất định phải hỏi ý kiến bác sĩ khi đưa bé đi tiêm phòng cúm.
Sữa
Các chuyên gia y tế cho biết, có khoảng 2-3% trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa bò và hiện tượng này cũng sẽ tự hết khi trẻ lớn lên. Triệu chứng khi bị dị ứng sữa bò cũng tương tự như dị ứng trứng. Hầu hết trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng sẽ dị ứng với sữa dê, sữa cừu và một số trẻ bị dị ứng với cả đạm đậu nành.
Nếu nghi ngờ con bạn bị dị ứng sữa bò, hãy nói chuyện với bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và có cách sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ.
Hãy nhớ rằng, dị ứng sữa bò khác với bất dung nạp lactose. Không dung nạp lactose xảy ra khi dạ dày của trẻ không thể tiêu hóa được đường lactose trong sữa.
Các loại hạt
Ngày càng có nhiều bé bị dị ứng với các loại hạt, phổ biến nhất là đậu phộng. Dị ứng với hạt gây khó thở và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, đó là lý do tại sao bố mẹ nên thận trọng khi cho trẻ ăn các loại hạt. Các triệu chứng dị ứng với hạt bao gồm phát ban, ngứa, nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bố mẹ cần nhớ đọc nhãn thực phẩm cẩn thận vì ngay cả khi một loại thực phẩm không chứa các loại hạt có thể được sản xuất bằng loại máy đã xử lý nhiều loại hạt khác nhau. Trong trường hợp đó, trên hộp đựng sản phẩm sẽ có cảnh báo rõ ràng.
Ngoài ra, bố mẹ nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu nghi ngờ con mình bị dị ứng với các loại hạt.
Hải sản
Cá (cá ngừ, cá nhụ) và các loài có vỏ (tôm, tôm hùm, nghêu) tuy đều là "hải sản" nhưng lại khác nhau về mặt sinh học. Vì vậy, bé có thể bị dị ứng với các loại hải sản có vỏ nhưng vẫn ăn được cá, trừ khi bé cũng bị dị ứng cá.
Dị ứng với hải sản xảy ra ở mọi lứa tuổi và ngay cả khi bé từng ăn được hải sản trước đây, bé cũng có thể bị dị ứng. Một số trẻ chỉ bị dị ứng trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng số khác lại bị suốt đời.
Nếu bé được chẩn đoán bị dị ứng với hải sản có vỏ, bác sĩ có thể kê toa epinephrine, loại tự tiêm trên tay trong trường hợp phản ứng nặng. Bố mẹ cũng cần thông báo cụ thể vấn đề dị ứng của bé cho người thân hay cô giáo dạy bé để cùng nhau phòng tránh.
Đậu nành
Đậu nành là nguyên nhân gây dị ứng với nhiều người. Dị ứng đậu nành có ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn là thanh thiếu niên và người lớn. Cơ thể của bé bị dị ứng với đậu nành sẽ sản xuất histamin, gây nên nhiều triệu chứng từ nhẹ đến ngứa và sốc phản vệ (hiếm xảy ra).
Nếu bé được chẩn đoán dị ứng đậu nành (hoặc bất kỳ loại dị ứng thực phẩm nào) sẽ đe dọa tính mạng, bác sĩ sẽ khuyến cáo bố mẹ nên mang theo epinephrine dạng tự tiêm cho trẻ trong trường hợp khẩn cấp.
Lúa mì
Dị ứng lúa mì dễ bị nhầm lẫn với bệnh celiac. Dị ứng lúa mì là do phản ứng với protein trong lúa mì, bệnh celiac là một căn bệnh đường ruột do cơ thể không hấp thu được chất gluten trong lúa mì và không gây nên dị ứng.
Những người bị dị ứng với lúa mì thường có thể ăn các loại ngũ cốc khác nhưng sẽ không thể ăn bất kỳ thực phẩm nào có chứa gluten nếu bị bệnh celiac. Gluten được tìm thấy không chỉ ở lúa mì, mà còn trong các loại ngũ cốc khác như lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch.
Tương tự như các trường hợp dị ứng thức ăn khác, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bé bị dị ứng với lúa mì.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]