Tiểu đường là một bệnh phổ biến và có tỉ lệ ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như Việt Nam. Trong đó, tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90% bệnh nhân tiểu đường, bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người cao tuổi khi có đặc điểm sinh lý thay đổi kết hợp với tình trạng đa bệnh lý. Vậy có những phương pháp điều trị nào cho bệnh nhân tiểu đường type 2?
Mục tiêu chính trong điều trị bệnh tiểu đường là ổn định đường huyết. Với các công việc cần làm là:
- Theo dõi đường huyết.
- Chế độ ăn hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Thuốc hạ đường huyết uống hay insulin.
Những bước trên nhằm giúp đưa đường huyết về gần với bình thường nhằm giúp phòng ngừa hay làm chậm biến chứng tiểu đường.
1. Theo dõi đường huyết
Tùy theo kế hoạch điều trị, mà bạn cần xét nghiệm đường huyết một hay nhiều lần trong ngày. Theo dõi đường huyết thường xuyên là cách giúp kiểm soát đường huyết. Những yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi đường huyết.
- Thức ăn: Người bệnh nên tìm hiểu những thực phẩm nào nên tránh, những thực phẩm nào nên ăn. Đường huyết thường cao nhất sau 1- 2 giờ sau ăn. Hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia dinh dưỡng để được giúp đỡ.
- Hoạt động thể lực: Hoạt động thể lực giúp đưa đường huyết vào trong tế bào, tế bào sử dụng Glucose để tạo năng lượng cho cơ thể. Vận động phù hợp thường xuyên sẽ giúp hạ và ổn định đường huyết.
- Thuốc: Nhiều thuốc tác động lên đường huyết, tùy từng tình trạng mỗi bệnh nhân mà có phương pháp điều trị phù hợp.
- Bệnh khác: Một số bệnh có ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết trong máu.
- Rượu bia: Rượu bia và những chất hòa tan trong rượu có thể gây tăng hay giảm đường huyết, tùy theo lượng rượu bạn uống.
- Stress: Khi bị Stress cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất nhiều hormone để chống stress, nhưng những hormone này cũng làm insulin hoạt động không hiệu quả gây ra tình trạng tăng đường huyết.
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường
2. Chế độ ăn
Đối với đái tháo đường type 2, điều chỉnh chế độ ăn và vận động thể lực là được chọn lựa đầu tiên.
Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2 không cần phải thực hiện chế độ ăn kiêng khem quá mức, nên ăn những thực phẩm như rau tươi, hoa quả ít ngọt, lúa mì nguyên hạt...Những thức ăn này nhiều dinh dưỡng, ít chất béo và năng lượng, chứa đường đa.
Nên hạn chế những thức ăn chế biến từ bột, gạo... những đồ ăn ngọt như bánh kẹo và một số loại hoa quả: nho, táo, dâu, cam, chuối, mía... Có thể sử dụng thay thế một phần các chất ngọt nhân tạo như đường saccharine, Aspartam. Bệnh nhân cũng nên tìm hiểu cách tính lượng calo đưa vào để có chế độ điều chỉnh phù hợp. Tùy vào thể trạng để điều chỉnh lượng calo cung cấp cho cơ thể.
Bữa ăn cần có sự cân bằng giữa 3 thành phần:
- Glucide: chiếm khoảng 50% khẩu phần calo hàng ngày.
- Lipide: khoảng 35% khẩu phần calo hàng ngày. Ưu tiên dầu thực vật, hạn chế dùng các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như dầu mỡ động vật, thực phẩm chiên rán.
- Protide: 15% khẩu phần calo hàng ngày.
Rượu: Bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế, có thể uống bia rượu với nhưng với lượng ít và không nên dùng khi bụng đói, dễ hạ glucose máu.
3. Hoạt động thể lực
Bất cứ ai cũng cần tập thể dục đều đặn và bệnh nhân đái tháo đường thì càng cần thiết hơn cả. Bạn nên hỏi ý kiến Bác sỹ trước khi bắt đầu tập và lựa chọn môn thể thao phù hợp mà bạn yêu thích, như đi bộ, bơi lội… Quan trọng là tập đều đặn mỗi ngày, nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên bắt đầu tập nhẹ rồi tăng dần cường độ, thời gian tập.
Nên nhớ rằng, hoạt động thể lực sẽ giúp hạ đường huyết. Kiểm tra đường huyết trước khi tập. Do hoạt động thể chất làm giảm lượng đường trong máu do vậy người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi hoạt động. Bạn cũng nên ăn nhẹ trước khi tập để tránh hạ đường huyết nếu đang uống thuốc hạ đường huyết hay đang sử dụng insulin. Ngoài ra, tích cực vận động cũng có tác tác dụng tốt trên tim mạch, giúp giảm cân ở người béo phì.
Hoạt động thể lực cho bệnh nhân tiểu đường
4. Thuốc điều trị tiểu đường và Insulin
Nếu bệnh nhân đái tháo đường type 2 kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn và tập thể dục không có hiệu quả thì cần uống thuốc hay tiêm insulin để ổn định đường huyết. Phương pháp điều trị này cần được bác sỹ hướng dẫn vì có nhiều nhiếu tố ảnh hưởng đến việc dùng thuốc và insulin.
Phương pháp dùng thuốc: Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát đường huyết.
- Nhóm sulfonylure: Kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin, do đó sẽ giúp hạ đường huyết. Nên sử dụng các thuốc này trước khi ăn 30 phút để ổn định đường huyết sau ăn. Bắt đầu từ liều nhỏ và tăng dần liều nếu cần.
- Nhóm Biaguanide: Là nhóm thuốc hạ đường huyết hay được dùng nhất ở những bệnh nhân tiểu đường type 2. Thuốc giúp giảm nồng độ glucose trong máu theo nhiều cơ chế: ức chế tăng sinh glucose ở gan, tăng nhạy cảm insulin ở tổ chức, tăng sử dụng glucose ở cơ và giảm hấp thu glucose ở ruột. Ngoài ra còn giúp giảm mỡ máu, gây chán ăn nên tốt cho những người tiểu đường béo phì. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa như: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Để hạn chế tác dụng phụ nên uống khi đang ăn hoặc ngay sau bữa ăn, nên bắt đầu từ liều thấp sau đó tăng dần.
Ngoài ra, còn một số nhóm thuốc khác cũng được sử dụng trong quá trình điều trị.
Thuốc điều trị tiểu đường.
Liệu pháp insulin
Bệnh nhân tiểu đường type 2 sau 5-10 năm, khi tuyến tụy bị giảm hoặc mất khả năng tiết insulin thì các nhóm thuốc trên không còn hiệu quả. Do vậy, người bệnh cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.
Các loại insulin: Insulin có nhiều loại dựa vào thời gian tác dụng của nó, bao gồm: Insulin thường, Insulin trung gian (NPH), Insulin NPH hổn hợp, Insulin tác dụng chậm, Insulin tác dụng rất chậm. Tùy theo mỗi bệnh nhân mà bác sỹ có thể chỉ định phù hợp để có thể kiểm soát đường huyết cả ngày. Nên thay đổi vị trí tiêm insulin trong cơ thể giúp cho việc tiêm insulin dễ dàng hơn, an toàn và dễ chịu hơn.
Khi sử dụng insulin, bạn phải theo dõi mức đường trong máu của bạn ít nhất bốn lần một ngày. Lượng insulin đưa vào cần được điều chỉnh theo lượng thức ăn của bạn và chế độ tập luyện.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]