Trong năm 2015, bên cạnh những cái tên vốn đã nổi như iPhone 6s hay Samsung Galaxy S6, những mẫu smartphone Trung Quốc cũng bắt đầu được người tiêu dùng trong nước nhắc đến nhiều hơn. Đâu là lý do cho xu hướng này?
1. Giá tốt
Giá tốt vượt trội so với mặt bằng chung là lợi thế chiến lược các hãng smartphone Trung Quốc lựa chọn để nhanh chóng thâm nhập thị trường.
Hãy bắt đầu với lý do hiển nhiên nhất cho cơn sốt smartphone Trung Quốc trong cộng đồng yêu công nghệ Việt Nam trong năm qua: mức giá. Rõ ràng, những chiếc smartphone thương hiệu Trung Quốc, kể cả những thiết bị được xách tay về nước hay được phân phối chính hãng, đều có mức giá tốt so với mặt bằng chung của thị trường và so với đối thủ cùng cấu hình đến từ các nhà sản xuất khác.
Ví dụ như tại Việt Nam, người dùng có thể tìm mua chiếc Xiaomi Redmi Note 2 với cấu hình khá tốt bao gồm màn hình 5,5 inch Full HD, chip mới nhất từ MediaTek, camera sau 13MP, camera trước 5MP... với mức giá chỉ dưới 3 triệu đồng. So với các sản phẩm đến từ các tên tuổi quen mặt hơn với người dùng Việt, rõ ràng tầm giá này là không có đối thủ.
Không chỉ riêng Việt Nam, giá tốt so với cấu hình còn là chiến lược chung của các hãng smartphone Trung Quốc tại nhiều thị trường khác. Ở Mỹ, bạn có thể mua chiếc Honor 7 với cấu hình tương tự HTC One M9 ở tầm giá 400 USD trong khi đó HTC bán sản phẩm của mình với giá 650 USD.
2. Đón đầu xu hướng nhanh
Smartphone Trung Quốc đón đầu xu hướng khá nhanh, kể cả về tính năng hay thiết kế.
Bên cạnh giá tốt, cấu hình khủng, smartphone Trung Quốc cũng tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc đón đầu các xu hướng công nghệ mới. Ví dụ hiện nay, trong khi sản phẩm của các thương hiệu lớn còn chưa kịp thay đổi thì những mẫu máy như OnePlus 2 hay Meizu Pro 5 đã được trang bị cổng kết nối USB-Type C thay vì sử dụng cổng tiêu chuẩn microUSB như trước. Loại cổng kết nối này sẽ mang lại tốc độ chuyển dữ liệu cũng như sạc pin nhanh hơn.
Cảm biến vân tay cũng là một dẫn chứng khác cho nhận định này. Nếu như tính năng này chỉ có trên một số dòng smartphone từ cận cao cấp trở lên với một thương hiệu nổi tiếng như Samsung, HTC hay Sony thì các tân binh đến từ Trung Quốc được trang bị công nghệ này ngay từ tầm... giá thấp.
Bắt kịp xu hướng nhanh đang dần khiến người dùng cảm thấy hứng thú hơn với những chiếc điện thoại từ đất nước tỷ dân.
3. Nhiều thương hiệu đang "nhòm ngó" thị trường Việt Nam
Sau khi được Lenovo mua lại, Motorola đã trở lại thị trường Việt Nam.
Đối với nhiều hãng sản xuất smartphone, những thị trường đang phát triển cùng dân số đông, cơ cấu dân số trẻ như Việt Nam đang là những "miếng mồi" béo bở chờ khai thác. Năm qua, chúng ta đã được chứng kiến màn thâm nhập thị trường chính thức của Honor, Meizu, ZTE hay Infinix. Lenovo cũng âm thầm đưa thương hiệu Motorola trở lại thị trường Việt sau nhiều năm vắng bóng. Một số thương hiệu Trung Quốc đã vào Việt Nam trước đó lại liên tục tung ra các chiến dịch quảng bá thương hiệu hấp dẫn.
Kể cả những cái tên chưa xuất hiện chính thức thì các đại lý bán lẻ thiết bị di động cũng có vẻ khá hào hứng với các thương hiệu smartphone Trung Quốc nhờ sự đa dạng và mức giá tốt. Khi nguồn hàng và nguồn thông tin đa dạng hơn, sự chú ý của người dùng sẽ bị thu hút theo.
Tạm kết
Mặc dù có nhiều lợi thế và cũng đã thu hút được phần nào sự chú ý của người yêu công nghệ nhưng để thực sự thâm nhập thị trường Việt các sản phẩm smartphone Trung Quốc còn vấp phải một đá tảng không dễ vượt qua: định kiến về chất lượng. Đây là một bài toán chỉ có thể chứng minh được trong dài hạn và vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ chất lượng thực sự!
Còn bạn, bạn có sẵn sàng sở hữu một chiếc smartphone Trung Quốc trong năm 2016 không?
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]