Theo nghiên cứu được ủy quyền bởi Global Hygiene Council, trung bình bề mặt thớt chứa nhóm vi khuẩn Fecal (tìm thấy nhiều trong phân, tiêu biểu là E.coli) nhiều hơn bồn cầu nhà vệ sinh tới 200 lần.
Khi để thớt trong một giờ mà không được rửa sạch sẽ thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và rất khó để loại bỏ, đặc biệt là đối với thớt cũ với nhiều rãnh cắt sâu.
Chuyên gia an toàn thực phẩm, TS Lisa Ackerley cho biết khi để thớt trong một giờ mà không được rửa sạch sẽ thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và rất khó để loại bỏ, đặc biệt là đối với thớt cũ với nhiều rãnh cắt sâu. Vi khuẩn E.coli, salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn khi thớt được vệ sinh không đúng cách.
Theo TS Lisa, mọi người thường chú ý nhiều đến nhà vệ sinh và dùng nhiều chất tẩy uế mà không nghĩ rằng nhà bếp là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm nhất. Thịt sống, rau sống chính là thủ phạm. 40% các vụ ngộ độc thức ăn là do điều kiện vệ sinh tại nhà kém.
“Cách an toàn để loại bỏ vi khuẩn là rửa tay kĩ. Khi rửa tay không phải dùng nước nóng vì nước nóng để chết vi khuẩn thì tay chúng ta không chịu được. Do đó, chỉ cần chà mạnh hai bàn tay vào nhau trong hơn 20 giây. Rửa các đồ dùng nhà bếp trong máy rửa chén ở nhiệt độ ít nhất là 65 độ C cũng là ý kiến hay.
Đối với các bề mặt nhà bếp và thớt thì phải dùng dung dịch diệt khuẩn. Còn đối với các khăn lau nhà bếp, để đảm bảo an toàn thì nên giặt bằng máy giặt hoặc luộc sôi chúng mỗi ngày”, Lisa khuyên.
Nên rửa sạch thớt ngay sau khi sử dụng và tránh để thớt ở những nơi ẩm thấp. (Ảnh minh họa).
Mẹo làm sạch thớt
Thớt gỗ:
Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Chúng có nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục. Vì thế, khi sử dụng thớt gỗ, bạn lưu ý: Chọn thớt độ dày đều, không có mắt gỗ. Khi mới mua về, bạn ngâm thớt trong nước muối mặn, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.
Làm sạch thớt gỗ sau khi sử dụng:
Sử dụng muối và nước vo gạo để vệ sinh thớt được xem là một trong những cách làm sạch đồ cực kỳ an toàn và hiệu quả, đặc biệt là muối có tính sát khuẩn rất cao, nhờ đó mà khi dùng muối để tiêu diệt các loại vi khuẩn có trong các đồ dùng gia dụng là sự lựa chọn hoàn hảo và tối ưu nhất để làm sạch tất cả các đồ dùng trong gia đình, đặc biệt là tấm thớt gỗ của chúng ta.
Với muối và nước vo gạo, đơn giản là bạn chỉ cần thực hiện như sau: Trước tiên bạn cần chuẩn bị một ít nước vo gạo và muối. Sau đó cho nước vo gạo vào trong một cái thau, tiếp đến là cho thêm muối vào, đánh tan hỗn hợp. Bỏ thớt vào trong thau nước vo gạo và muối, tiếp tục ngâm thớt trong khoảng 5 – 10 phút. Cuối cùng là lấy thớt ra, rửa bình thường lại với nước nóng là được.
Sử dụng chanh: Chanh chứa hàm lượng lớn acid tự nhiên giúp diệt khuẩn tối đa và hiệu quả
Là một trong những loại thực phẩm quen thuộc và chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ, ngoài ra chanh còn được biết đến với nhiều công dụng khác nữa, tuy nhiên, một trong những công dụng ít được ai quan tâm đến là sử dụng chanh để làm sạch các dụng cụ trong nhà bếp, đây cũng là sự lựa chọn tối ưu giúp các vật dụng trở nên sạch và an toàn hơn, trong đó, sử dụng chanh để làm sạch thớt cũng là cách đơn giản, nhẹ nhàng và tiết kiệm được rất nhiều thời gian của chị em. Chỉ cần thực hiện như sau:
Cắt chanh thành những lát nhỏ hoặc cũng có thể là cắt đôi trái chanh, tiếp đến là chà trực tiếp lên trên mặt thớt, để yên trong khoảng 5 phút và đem đi rửa sạch lại bình thường với nước.
Thớt nhựa:
Thớt nhựa có trọng lượng nhẹ và khắc phục được những nhược điểm của thớt gỗ như không bị thấm nước, không có mùn thớt và không bị mục. Tuy nhiên, loại thớt này không chịu được lực tác động lớn. Vì vậy, cũng giống như thớt thủy tinh, chỉ nên sử dụng thớt nhựa để thái các loại thức ăn đã chế biến, không cần nhiều lực.
Khi sử dụng thớt nhựa, bạn cần lưu ý:
- Tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
- Khi thớt bị ố, ngả màu, nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.
Thớt thủy tinh
Thớt thủy tinh làm từ thủy tinh chịu lực nên không bị mùn, không bị ôxy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Tuy nhiên, bề mặt thớt cứng làm dao nhanh cùn và không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Ngoài ra, bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì thế chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, thức ăn mềm, thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả.
Sau khi sử dụng, cần treo thớt nơi khô thoáng, có ánh nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Sau sáu tháng sử dụng hoặc khi mặt thớt xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ, bạn nên thay thớt mới. Khi chọn mua, nên chọn mua sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và niêm yết kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nơi sản xuất.
Vệ sinh thớt sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm cũng rất quan trọng, vì thớt có ảnh hưởng rất lớn tới an toàn trong bữa ăn. Một chiếc thớt bẩn nếu không được vệ sinh kỹ sau khi sử dụng sẽ mang theo vi khuẩn có hại vào món ăn của gia đình bạn. Khi vệ sinh thớt, bạn không nên sử dụng quá nhiều hóa chất tẩy rửa. Thay vào đó, bạn nên sử dụng những chất tẩy rửa tự nhiên như chanh, muối hạt, giấm trắng, nước sôi để chà lên mặt thớt, giúp việc làm sạch nhanh và an toàn hơn. Cần có các loại thớt để dùng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín, không sử dụng lẫn lộn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]