Mặt tốt của việc nhập khẩu là có thể “giải cứu” nhiều loại thịt trong nước còn thiếu, giúp giá không tăng cao, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, với người chăn nuôi và giới kinh doanh, nếu không thay đổi kịp thời thì có thể phải rời “cuộc chơi”. Về mặt quản lý, nếu không kiểm soát chặt thì thịt kém chất lượng cũng sẽ tràn về.
Đơn cử, trong tháng 10 vừa qua, cơ quan chức năng TP HCM đã phát hiện, xử lý vụ vận chuyển thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trong đó có lượng lớn hàng ngoại gồm 22.220 kg gân, chân, đuôi trâu bò đông lạnh; 2.740 kg thịt trâu, bò đông lạnh và 111 kg thịt trâu Ấn Độ.
Con số biết nói
Đáng kể nhất phải nói đến là bò sống nhập khẩu từ Úc để giết thịt. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, dự báo năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 150.000 con bò Úc, gấp 2,24 lần so với năm 2013.
Về thịt heo, Cục Chăn nuôi cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch hơn 2.350 tấn thịt, trị giá 4,6 triệu USD, nguồn nhập từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Chỉ riêng tháng 9-2014, lượng thịt heo nhập khẩu đạt 257 tấn, tăng 70,2% so với tháng 8.
Tại TP HCM, các cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y cho hơn 51.000 tấn sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu (tăng 46,9% so với cùng kỳ). Trong đó, chỉ riêng tháng 8 đã kiểm tra 248 lô hàng, tương đương 7.841 tấn, tăng 36,5% so tháng 7.
Theo khảo sát của ngành chức năng TP HCM khi thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” thì nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của TP HCM vào khoảng 103.809 tấn/năm. Trong đó, gà nhập khẩu chiếm gần 42%, tương đương 43.584 tấn/năm (gần 120 tấn/ngày) gồm các mặt hàng chính là đùi gà, cánh gà và bọng gà.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thịt nhập khẩu hiện có cả loại cao cấp lẫn thấp cấp, tập trung vào những mặt hàng thị trường đang “hút”. Loại cao cấp (như bò, sườn heo, ba rọi rút sườn,...) được cung cấp cho những nhà hàng, khách sạn và bán lẻ tại các cửa hàng chuyên về thực phẩm nhập khẩu, siêu thị. Loại thấp cấp là hàng đông lạnh như phụ phẩm trâu bò, giò heo, cánh gà, chân gà... ít thấy trên thị trường do được bán thẳng vào các cơ sở chế biến thực phẩm hay nhà hàng thường, quán cơm, bếp ăn tập thể, quán nhậu bình dân.
Ứng phó thế nào?
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ngành chăn nuôi gia cầm, nhất là gà trắng, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hàng nhập khẩu. Cụ thể, do thị hiếu tiêu dùng nên ở nước ngoài họ chỉ ăn ức gà, không ăn chân gà, cánh gà nhưng đây lại là 2 loại mắc tiền nhất đối với thị trường Việt Nam. Vì thế, nhà nhập khẩu mua được giá rẻ, mang về Việt Nam bán hưởng được lệch giá có lợi nên tăng cường nhập.
Khảo sát giá tại Công ty A.C chuyên cung cấp gà đông lạnh trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), cánh gà có giá bán 69.000 đồng/kg, chân gà 45.000 đồng/kg (bán nguyên thùng 15 kg); còn giá cánh gà tươi nội địa của các công ty có thương hiệu trên thị trường đang ở mức 75.000-76.000 đồng/kg (cánh gà), 50.000-54.000 đồng/kg (chân gà) nên cũng dễ hiểu vì sao các điểm kinh doanh thực phẩm ăn uống thích mua hàng nhập dù chất lượng tệ hơn.
Đại diện Hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho rằng hiện nay chăn nuôi gia cầm chuyên nghiệp chủ yếu thuộc về các công ty đa quốc gia, các hộ chăn nuôi bên ngoài cũng là gia công cho họ, còn hộ tự nuôi không nhiều. “Việc nhập thịt gà đã được nói từ nhiều năm nay nhưng chưa có ai giúp đỡ được gì nên người chăn nuôi tự cân đối, tìm hướng đi cho mình. Do đó, gà công nghiệp lông trắng và gà tam hoàng hầu như không được người dân nuôi nữa mà chỉ còn vịt và gà ta thả vườn là còn có lãi” - vị này chia sẻ.
Đối với thịt heo, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng giá heo nội địa đang cao một cách bất hợp lý nên không bền vững. “Đơn cử là từ giá đỉnh 55.000 đồng/kg cách đây mấy tháng đã xuống 50.000 đồng/kg đối với heo hơi loại 1 (ngày 5-11). Tuy nhiên, là một thương hiệu tiêu thụ lượng thịt lớn, Vissan chủ trương không nhập khẩu thịt để bảo vệ thị trường trong nước” - ông Mười khẳng định.
Về thịt bò, ông Mười cho hay dù lượng nhập khẩu tăng đột biến nhưng cung vẫn chưa đủ cầu (bò Úc về chưa bù được lượng bò nhập từ Lào, Campuchia trước đây) nên giá vẫn có xu hướng tăng, người nuôi bò trong nước có thể yên tâm không lo giá xuống đột ngột.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH TM DV XNK Thực phẩm sạch (đang phát triển chuỗi thương hiệu thực phẩm Fresfoco) - chuyên về bò Úc - đánh giá thịt bò Úc đã chiếm từ 70%-80% thị phần tại TP HCM. “Người tiêu dùng Việt thích hàng tươi sống nên tại các cửa hàng của Fresfoco chỉ có 20% là hàng đông lạnh, 80% là hàng tươi.
Một đặc điểm khác của người Việt là xem các loại phụ phẩm như: tim, pín, lưỡi... của bò là “đặc sản” nên công ty có thể khai thác tối đa các sản phẩm sau giết mổ để chia sẻ giá đối với chính phẩm là thịt. Mới đây, công ty nhận được đơn hàng cung cấp 300 kg lưỡi bò cho một khách hàng ở Bình Dương cho thấy tiềm năng khai thác của thị trường còn rất lớn” - ông Phong cho biết.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]