Táo quê có hai loại, một loại quả tròn vị ngọt và một loại quả thon dài vị chua. Táo thường bắt đầu chín vào thời điểm giữa tháng 12 dương lịch. Mỗi mùa táo chín, phố phường Hà Nội lại tràn ngập loại quả được coi là ‘đặc sản nhà quê’ này. Hơn hết, loại quả này rất được lòng phụ nữ nhất là chị em công sở.
Dọc các tuyến đường Láng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giải Phóng… những xe chở đầy táo quê được rất nhiều người bán. Mỗi ngày, những xe táo cũng mang về thu nhập cho những người bán vài triệu đồng.
Táo quê đang được bán nhiều tại Hà Nội với giá khá rẻ chỉ 25.000 đồng/kg
Anh Nguyễn Hữu Hưng (Văn Lâm – Hưng Yên), một người bán táo trên đường Láng cho biết: Mùa nào thức đấy, tháng trước anh bán cóc, quýt hoặc bòn bon. Tháng này, anh bán táo quê. Một ngày, anh bán hết hai sọt táo cũng được khoảng 3 – 5 triệu đồng.
“Khoảng thời gian này, táo quê đang bắt đầu được nhiều người Hà Nội ưa chộng. Bán từ sáng đến khoảng 4h chiều cũng hết một xe hai sọt táo. Táo lấy tại vườn ở Hưng Yên có giá khoảng 8 – 10.000 đồng/kg, chở lên Hà Nội bán được giá 25.000 – 35.000 đồng/kg; đầu mùa thì bán 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này, táo chín đại trà và nhiều người bán, vậy nên giá khoảng 25.000 đồng/kg là phổ biến”- anh Hưng chia sẻ.
Với chị Lê Hải Yến (Thường Tín – Hà Nội) đã có thâm niên bán hoa quả trên đường Giải Phóng, các khu chợ như Giáp Bát, Định Công, Trương Định khoảng 10 năm thì táo quê là loại quả bán có lãi nhất.
“Nếu so với các mùa khác thì mùa táo quê là bán có lãi nhất. Bởi vì, nguồn mình lấy tại các vườn ở quê, rồi chở lên nội thành bán. Bán táo quê gần như là buôn tận gốc, bán tận ngọn. Còn các loại quả khác, thường phải lấy hàng từ các thương lái trên chợ đầu mối Long Biên hay chợ đầu mối Phía Nam (Đền Lừ, Hoàng Mai – PV), mà lấy qua thương lái, giá đã bị đẩy lên một ít, bán không lãi nhiều. Riêng táo quê, mỗi ngày, bán hết một xe táo thì lãi cũng khoảng 1 triệu đồng”, chị Yến cho biết.
Táo quê được nhiều người bán cho biết là có nguồn gốc tại các vườn ở ngoại thành Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên ... Ảnh: Thanh Trương
Theo chị Yến, mùa táo luôn thu hút khách hàng bởi táo quê thường sạch và nguồn gốc rõ ràng. Hơn hết, không sợ nhập về từ Trung Quốc như các loại hoa quả khác.
“Riêng táo thì người dùng yên tâm, không bao giờ lo ngại hàng xuất xứ Trung Quốc. Bởi vì, ngoại thành Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên … là những vùng trồng nhiều táo quê, thế nên, không "hơi đâu" đi nhập táo của Trung Quốc làm gì. Phần lớn, những người đi buôn như các chị là về tận vườn lấy. Táo quê ăn rất lành, không bao giờ lo chuyện ngậm thuốc hay bất cứ vấn đề gì cả” – chị Yến nói.
Ngoài việc để ăn chơi, nhiều người Hà thành còn mua táo quê về làm mứt cho dịp Tết Đinh Dậu sắp tới
Nếu đầu mùa, táo quê được nhiều người mua về ăn chơi, thì đến khi táo chính vụ, nhiều người còn mua táo về làm mứt để ăn Tết.
Chị Nguyễn Thu Hòa (Giáp Bát – Hoàng Mai - Hà Nội) năm nào cũng tự làm cho gia đình mình những loại mứt như mứt dừa, mứt bí, mứt táo để ăn Tết mà không phải đi mua bên ngoài vừa yên tâm lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Mứt táo làm không khó. Táo cũng rẻ nữa vậy tội gì mà không tự làm mứt táo để ăn Tết. Nếu như mứt bí, mứt dừa thì cách Tết khoảng nửa tháng mới làm, còn mứt táo phải làm từ bây giờ. So với làm mứt bí, mứt dừa thì mứt táo có kì công hơn một chút. Tuy nhiên, mứt táo dễ ăn và tốt cho sức khỏe”- chị Hòa nói.
Ngoài ra, theo dân gian, mứt táo quê cũng là một vị thuốc chữa bệnh rất tốt vào mùa đông.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]