Không “giao du” với với hoa quả Tàu
Bà Nguyễn Thị Thọ (TP. Thái Bình) là một trong những người khiếp sợ với các loại hoa quả trên thị trường. Cứ nhìn thấy táo, lê, lựu... là bà lại cảm thấy “hoảng hốt”. Không phải tự nhiên mà bà có thái độ tiêu cực như thế. Tết âm lịch vừa qua, gia đình bà mua một số loại quả thắp hương. Khi hóa vàng, bỏ xuống mời anh em họ hàng thì 10 người ăn cả 10 người kêu la đau bụng.
Sợ hàng Trung Quốc, bà Thọ quyết định ăn ít đi nhưng phải “chất”. Bà chọn hoa quả nhập khẩu tại một siêu thị lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, lê hương, cam nước ngoài ở đây cũng không khá gì hơn. Bà và cháu ngoại chưa đầy 1 tuổi lại tiếp tục bị một trận đau bụng nữa hành hạ. Quá sợ hãi với các loại hoa quả trên thị trường, từ đó đến nay, thứ hoa quả duy nhất xuất hiện trong gia đình bà là cam sành của Sài Gòn do một người thân trong gia đình giới thiệu. Hy hữu lắm, bà mới đổi món bằng một vài hoa quả quê như na, ổi, chuối... trồng trong vườn của bà con cũ ở quê mỗi khi bà về giỗ chạp.
Mua rau ngoài chợ, nhiều bà nội trợ hãi hùng vì không biết chất lượng ra sao?
Không “chừa mặt” với tất cả các loại hoa quả như bà Thọ, nhưng chị Phạm Thị Hương (ngõ 99, Định Công Hạ, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng gần như không “giao du” với với các sản phẩm này. Mặc dù có con nhỏ, gia đình có điều kiện nhưng đồ ăn tráng miệng trong nhà chị chủ yếu xoay quanh mía, dừa (nguyên quả, bán theo chùm), cam sành, chuối xanh gửi từ quê lên.
Chị Hương chia sẻ: “Bầu con bé 7 tháng thì tôi bị ngộ độc thực phẩm. Xem lại danh sách đồ ăn trong ngày hôm đó thì chỉ có hoa quả là khả nghi nhất. Giờ có con trẻ, muốn bổ sung đầy đủ cho con cũng không dám”.
Không chỉ có hoa quả làm người tiêu dùng “cạch đến già” mà rau củ trên thị trường cũng đang làm nhiều người hoang mang. Sau khi luộc mớ rau muống, thấy nước rau đổi màu đến 3,4 lần, chị Đỗ Thị Định (Đội Cấn, Hà Nội) cũng khiếp đảm với rau thị thành. Chị Định cho hay, tuy lương thấp nhưng chị cũng phải tìm đến các cửa hàng rau sạch, dù giá đắt hơn ngoài chợ 3-4 lần. Hoặc, chị nhờ người mang rau ở quê lên mỗi tuần, bỏ tủ lạnh ăn dần. Thậm chí, đang mùa su hào, củ cải, chị vẫn phải nhờ mẹ thái khô để làm đồ sạch dự trữ ăn dần.
Nhiều người chỉ dám mua rau sạch trong siêu thị, cửa hàng rau an toàn
Sợ ăn đến thiếu chất, phát bệnh
Chị Định nói thêm: “Thực sự, rau sạch thì đắt nên tôi chỉ dám mua ít. Thế là sinh ra bệnh táo bón. Bệnh cũng không dám mua rau, lại điện ở quê gửi rau má tươi, rau má khô uống cho mát. Chứ thông tin trên báo đài, bản thân chứng thực thì không dám ăn”.
Sợ rau xanh, sợ hoa quả, chị Nguyễn Thị Vân (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ cho con ăn bí ngô, bí đao, khoai tây mua từ quê. Sau một thời gian dài, cu cậu hơn 1 tuổi nhà chị không những chán ăn vì các món ăn dặm lặp đi lặp lại mà theo các bác sĩ, con còn thiếu chất do không đủ rau xanh. Chi Vân buồn bã: “Muốn cho con tránh đồ ăn bẩn thì không có đồ ăn sạch. Giờ ra đến nông nỗi này mình phải sửa lại ban công, tầng mái, mua đất, mua hộp về trồng rau cải thiện bữa ăn cho con chứ biết làm thế nào”.
“Da tay con gái có những nốt chấm đỏ, đêm thì gắt ngủ càu cạu rồi vò đầu bứt tai. Lúc đầu, tưởng con làm sao, đi khám, bác sĩ bảo cháu nóng trong, có nhiều cách để khắc phục, đó ăn tăng cường ăn hoa quả và nhiều rau xanh”, chị Lê An Vinh đau đầu khi chính gia đình chị cũng đang rơi vào cảnh sợ hãi rau quả phun đầy hóa chất.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]