Trong bài phát biểu của GS.Tương Lai tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trích đăng lại xuất hiện một thông tin khiến nhiều người Việt bất ngờ. Đó là câu chuyện một doanh nghiệp Việt nhập về 4 bộ túi xách nhãn hiệu Hermès, giá mỗi bộ gồm 4 chiếc là 300.000 USD (giá tương đương 1,6 tỷ đồng/chiếc), chỉ sau mấy ngày đã được mua hết dù doanh nghiệp không bán lẻ.
Câu chuyện trên đã đưa tới hai câu hỏi với nhiều người Việt: Vì sao Hermès lại hiếm như vậy ở Việt Nam? Và mức giá 1,6 tỷ đồng là đắt hay rẻ cho một chiếc túi hàng hiệu?
Kỳ 1: Con đường đưa những chiếc túi Hermès về Việt Nam
Trên trang web của Hermès, tại Việt Nam có 2 trung tâm phân phối chính thức các sản phẩm của hãng, một nằm tại tòa nhà Vincom Eden A TP.HCM, và một nằm tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Còn nếu mua hàng theo cách thức xách tay, khách hàng có thể liên hệ tới những đầu mối chuyên cung xách hàng từ nước ngoài về hoặc mua lại trên những kênh đấu giá hàng second hand.
Người Việt có thể mua túi Hermès bằng cách nào?
Trên các diễn đàn về mua sắm hàng hiệu, khá nhiều thông tin được chia sẻ hướng dẫn về cách để có được một chiếc túi Hermès Birkin với giá từ 12.000 USD trở lên. Theo đó, khách hàng phải có doanh số mua hàng với Hermès khoảng 4 tỷ đồng, ghi danh vào danh sách mua hàng (vốn đã rất dài) và chờ đợi trong khoảng thời gian không được báo trước. Theo một nhân viên bán hàng tại Hermès Metropole Hà Nội, cách thức để đặt mua một chiếc túi Hermès Birkin đúng là phải có thẻ khách hàng thường xuyên, và con đường để trở thành khách hàng thường xuyên chỉ có thể dựa vào doanh số mua hàng. "Tuy nhiên, mức 4 tỷ là không chính xác. Con số thật thấp hơn nhiều, nhưng mức để xác định doanh số và thời gian chờ đợi sẽ biến động tùy theo việc khách hàng đặt mua túi gì".
Chính sách bán hàng khiến việc sở hữu những chiếc túi Hermès qua kênh phân phối chính thức trở nên quá khó khăn, còn giá hàng xách tay thì biến động vô chừng.
Cụ thể, với những chiếc túi màu sắc và chất liệu hiếm hơn thì khách hàng phải chờ đợi lâu hơn. Thực tế, với những chiếc túi da cá sấu, đặc biệt là da cá sấu bạch tạng, khách hàng có thể phải chờ một vài năm, thậm chí hàng chục năm mới có sản phẩm. "Đây là cuộc đua vô chừng về tính kiên nhẫn, nhưng nó đáng giá như vậy", một khách hàng tại TP.HCM đang chờ đợi mua chiếc túi Hermès Birkin khẳng định.
Nếu mua trong cửa hàng phân phối, khách phải đối mặt với rào cản về doanh số và danh sách dài chờ đợi. Nhưng nếu mua qua đường xách tay, chênh lệch giá có thể là nguyên nhân khiến nhiều người nản lòng. Theo chị Vi Thảo, một đầu mối chuyên nhập hàng hiệu xách tay nước ngoài về TP.HCM, hiện nay, con đường đưa túi Hermès về Việt Nam gần nhất là đi qua Singapore, Anh hoặc Mỹ. "Người ta mua lại những chiếc túi Hermès mà các khách hàng của hãng nhận được, sau đó xách về nước và bán lại. Tuy vậy, giá một chiếc túi Birkin vẫn rất đắt đỏ, vì dù theo cách nào thì chúng vẫn quá hiếm hàng và người bán lại thường đòi tiền chênh cả trăm triệu", chị Thảo cho hay.
Một cách khác để sở hữu túi Hermès, theo chị Hương Nguyễn - chủ mối hàng xách tay tại Hà Nội - là mua sản phẩm đã qua sử dụng qua các kênh đấu giá. "Những chiếc túi Hermès có thể sử dụng được rất lâu nếu là hàng chính hãng, nên ngay cả sản phẩm second hand của chúng cũng được nhiều người Việt săn mua. Chỉ cần có hóa đơn chính hãng, còn hàng mới hay cũ thường không chênh lệch quá nhiều".
Vì sao túi Hermès lại có giá cao đến vậy?
Đối với nhiều người, Hermès Birkin đơn giản là túi Hermès Birkin. Cái tên của nó đã hàm chứa tất cả những gì tinh tế, sang trọng, sành điệu, khiến người khác phải ngưỡng mộ. Thế nhưng, điều khiến Hermès Birkin thực sự đắt đỏ như vậy không chỉ là nhờ cái tên, nhờ chất liệu và công sức của những người thợ làm ra sản phẩm, mà đó còn là câu chuyện về một chính sách bán hàng giúp nâng tầm thương hiệu. Chính sách này cũng khiến việc sở hữu những chiếc túi Hermès qua kênh phân phối chính thức trở nên quá khó khăn, còn giá hàng xách tay thì biến động vô chừng.
Thực tế, Hermès có rất ít xưởng chế tạo túi, đặc biệt là những chiếc túi Hermès Birkin hay Kelly, và số lượng mà mỗi xưởng này có thể chế tạo trong vòng một năm cũng là rất hiếm hoi, thường không vượt quá 2 con số. Để tạo ra một chiếc túi, một người thợ phải được học nghề tại Hermès trong vòng 2 năm, và làm thợ phụ ít nhất 1 năm trước khi được bắt tay vào sản xuất ra những chiếc túi Hermès Birkin. Lượng thợ được tín nhiệm để tạo ra túi rất hạn chế, trong khi công việc được làm thủ công hoàn toàn, dễ hiểu vì sao chúng lại hiếm có đến thế.
Chiếc túi Hermès Birkin làm bằng da cá sấu bạch tạng đính kim cương có giá tới hơn 40 tỷ đồng. Ảnh: Reuters.
Các công đoạn thuộc da, khâu túi, đánh bóng… đều được làm bằng tay và mất khoảng 48 tiếng để một người thợ lành nghề hoàn thành một chiếc túi. Một người thợ sẽ làm tất cả các bước để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, và điều đó khiến mỗi chiếc túi Hermès Birkin là một sản phẩm mang tính cá nhân, có một không hai, và được định giá dựa trên chính tên tuổi của người làm ra nó.
Khi thành phẩm và được đưa vào hệ thống phân phối toàn cầu, túi Hermès Birkin sẽ được cung cấp theo chính sách của công ty. Mỗi cửa hàng sẽ được cung cấp một số lượng túi nhất định, ít phụ thuộc vào danh sách chờ của khách hàng, nên túi mà khách muốn mua có thể không được bán nước này, nhưng lại có sẵn trong các cửa hàng khác trên thế giới. Nếu may mắn, khách sẽ nhận được hàng, còn không sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
"Khi mua hàng, khách sẽ được nhận một hóa đơn, một thẻ sản phẩm để chứng minh nguồn gốc. Khách cũng được tư vấn để bảo quản túi, cũng như những chi tiết nhằm phân biệt hàng thật, giả. Chính sách này chỉ áp dụng cho khách mua tại cửa hàng, còn nếu ai đó mang một chiếc túi bất kỳ đến để giám định xem đó có phải là hàng Hermès hay không, thì cửa hàng sẽ không phục vụ được", nhân viên cửa hàng phân phối Hermès chính hãng tại Hà Nội cho hay.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]