Sang Mỹ săn 'ngô kim cương cầu vồng' chiều dân ăn vặt
Một loại ngô mới có tên gọi là Glass Gem, có nơi còn gọi là ngô "bảy sắc cầu vồng" đang được nhiều người săn lùng. Loại ngô này được phát triển bởi một nông dân Mỹ tên là Carl Barnes. Từ những giống ngô bản địa có màu sắc khác nhau có nguồn gốc ở Oklahoma (Mỹ), người ta đã lai tạo thành ngô có hàng chục màu sắc khác nhau và sáng bóng như những viên đá quý hay thủy tinh màu. Ngô đa sắc thuộc họ ngô tẻ nên hơi cứng, ít khi được dùng để ăn trực tiếp mà thường được chế biến thành bột ngô, bỏng ngô hoặc các loại bánh. Nhiều người còn mua về để trang trí trong nhà.
Hiện tại, giống ngô Glass Gem đang được bán trên mạng với giá một gói hạt giống là 7,95 USD (khoảng 170.000 VND) và 2,95 USD tiền ship. Ở một số trang khác, giống ngô Glass Gem được bán với giá một gói 50 hạt giống là 5,95 USD (khoảng 120.000 đồng).
Tuy được bán khá đắt song cung vẫn không đủ cầu. Người mua hàng cũng được khuyến khích giữ lại các hạt giống sau mỗi vụ mùa để góp phần duy trì giống ngô đặc biệt này.
Dân giàu Hà Thành góp tiền nuôi lợn rừng ăn Tết
Vài năm gần đây, thịt lợn rừng được những gia đình khá giả tại Hà Nội rất ưa chuộng vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, gần đây, không ít trang trại lén nuôi lợn rừng bằng các loại cám tăng trưởng. Để phân biệt được con lợn nào nuôi bằng cám công nghiệp, con nào nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên là điều rất khó.
Vì vậy, để có thịt lợn chuẩn "rừng", nhiều nhà giàu Hà Nội đã lặn lội tìm về các trang trại ở quê đặt hàng từ lúc lợn còn "tấm bé", nhờ nuôi và vỗ béo, để dành đến Tết mổ thịt. Ngoài ra, đồ khô để lai rai ngày Tết như thịt trâu khô, lạp xưởng hun khói,... cũng đắt khách, được nhiều gia đình khá giả chọn lựa.
Da trâu bò có nguy cơ "hóa kiếp" thành mực xé
Vụ việc được phát hiện khi đoàn đi kiểm tra một lò mổ gia súc nằm trên xã Vĩnh Lộc A vào ngày 24/12. Theo đó, tại khu vực ấp 1A, xã Vĩnh Lộc A, đoàn phát hiện có một lao động nữ đang phơi khoảng 4 tấn sợi da trâu, bò màu trắng (lấy ra từ phần mềm bên trong của da - PV) bốc mùi tanh nhẹ.
Gia đình chị Bé là người làm công chịu trách nhiệm phơi lô hàng nói trên cho biết, chủ hàng quê ở Tiền Giang thuê phơi 1 tấn trả 400.000 đồng đã hơn 1 năm nay, còn sản phẩm sau khi phơi xong không biết người ta đưa vào sản xuất việc gì.
Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với chủ hàng là ông Hoàng Tuấn Bình (SN 1985), ông Bình cho biết số da dạng sợi trâu, bò nói trên được mua "tươi" lại của một doanh nghiệp ở huyện Nhà Bè. Sau khi mang về thuê lao động phơi khô 1 nắng (từ sáng đến chiều) thì đưa vào cơ sở ở ấp 2 để xay ra thành bột (trông giống như thịt chà bông).
Từ bột "da bò" này, ông Bình trộn chung với bột sò, bột bắp để làm thức ăn chăn nuôi phục vụ cho mấy ao cá mà gia đình ông đang nuôi tại ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Ông Bình xác nhận số lượng da sợi trâu, bò tại hiện trường và kho lên đến 10 tấn cùng 2 tấn thành phẩm. Khi được hỏi da trâu, bò dạng sợi có dinh dưỡng gì không mà đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi? Ông Bình khẳng định: "Trong da bò chứa 40% đạm".
Do đây chỉ là lời khai nhận ban đầu của ông Bình, đoàn kiểm tra cho rằng cần phải xác minh lại nguồn gốc da trâu bò dạng sợi và thực sự ông Bình có chế biến đưa vào nuôi cá trong phạm vi gia đình hay phục vụ vào mục đích kinh doanh nào khác, đặc biệt vì sao số lượng chế biến từ da dạng sợi này lại quá lớn rơi vào thời điểm 2 tháng giáp Tết?
Do ông Bình không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký kiểm dịch động vật cũng như địa điểm SX không đảm bảo vệ sinh môi trường, nên trước mắt Đoàn kiểm tra đề nghị chủ hàng ngưng hoạt động chế biến thức chăn nuôi, đồng thời quyết định mức xử phạt hành chính là 3,5 triệu đồng.
Phát hiện hàng trăm lít dầu ăn giả
Sáng nay 24/12, thông tin từ Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho hay, đơn vị này vừa phối hợp với Đội 3, Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường (C49, Bộ CA), CA huyện Hoài Đức và lực lượng CA địa phương tiến hành kiểm tra Cty Cổ phần đầu tư Sản xuất và Thương mại Tiến Nhàn (địa chỉ xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Tại xưởng sản xuất, lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành thu giữ 131 can nhựa (loại 20 lít, có trọng lượng 18kg/1 can) chứa dầu ăn vừa được Cty này chiết xuất từ téc sang, sau đó dán nhãn mác của một nhãn hiệu dầu ăn để mang đi tiêu thụ.
Công ty này bị cơ quan chức năng cáo buộc có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu hàng hóa số dầu ăn nói trên. Qua kiểm tra, Cty này không xuất trình được giấy Chứng nhận đảm bảo Vệ sinh An toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số dầu ăn nói trên và 50 vỏ can nhựa, 1 máy ép nhiệt, 0,9kg giấy nhãn mác hàng hóa của một đơn vị doanh nghiệp khác.
Cơ quan chức năng cho biết, Giám đốc Cty Tiến Nhàn trình bày, số dầu thực vật nói trên được Cty này mua lại của một đơn vị doanh nghiệp khác và vận chuyển bằng téc sau đó mang về Cty chiết xuất ra các can nhựa rồi dán nhán mác của đơn vị doanh nghiệp này mang đi tiêu thụ.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Mít Thái chín đẹp nhờ hóa chất
Nhiều chủ vườn ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu, các thương lái vào tận vườn để thu mua hàng loạt, dù mít Thái chưa vào giai đoạn chín tới. Các chủ vườn được thương lái "bật mí", không cần chờ mít chín cây mà cứ thu hoạch xanh, rồi về sẽ phân loại và dùng thuốc kích chín. Dưới tác dụng của thuốc kích thích, chỉ trong 1-3 ngày, trái mít tự "rủ" nhau chín vàng, có màu sắc hấp dẫn, nên rất dễ "dụ" người mua.
Một người trồng mít ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức tiết lộ, nhìn màu và từng múi mít vàng ươm khó mà biết được nó không phải chín cây, nên người mua hầu hết đều nhầm. Không chỉ các vườn mít trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà các loại mít được quảng cáo là mít Thái được nhập từ các nơi khác về cũng được chích thuốc thúc chín.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]