Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Son ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có 1,8 ha đất rừng trên Núi Cấm. Rừng cây của ông trồng từ năm 1990 với các loại keo và tràm. Khi cây rừng đã bén đất và bắt đầu phát triển thì ông trồng xen giống tre Mạnh tông lấy măng, nhằm lấy ngắn nuôi dài. Mười năm qua, gia đình ông sống chủ yếu là nhờ thu hoạch măng từ 1.000 bụi tre Mạnh tông.
“Đầu mùa, khoảng 4-5 ngày, gia đình tôi thu hoạch một đợt măng từ 400-500kg và lúc rộ khoảng tháng 7 - 8 âm lịch được khoảng 2 tấn mỗi đợt, thu nhập cũng khá lắm nhưng giá măng dao động quá, bây giờ tính ra không bằng một ly cafe, nản quá!” - ông Son buồn bã. Ước tính bình quân mỗi vụ thu hoạch măng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, gia đình ông có thu nhập từ 150 - 200 triệu đ/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực dưới chân núi xã An Hảo, hiện có 6 vựa nhỏ thu mua măng tươi. Điển hình như vựa Đen – Thảo thu mua khoảng 10 tấn măng mỗi ngày. Thời điểm này, giá măng tươi các vựa thu mua luôn biến động theo hướng giảm dần, cứ 1-2 ngày giá giảm khoảng 500 đ/kg. Các vựa thu mua măng tươi, sau đó cắt gọt phần gốc tận dụng làm dưa chua, còn phần non giao cho thương lái chuyển đi bán sỉ ở các nơi trong và ngoài tỉnh.
“Ban đầu măng có giá lắm, bán không đủ cho thương lái trong tỉnh, giờ giá măng giảm xuống nên chúng tôi phải vừa bán tươi vừa làm chua để bán cho khách khi hết đợt. Nếu măng có giá như trước thì bà con ở Núi Cấm sẽ bớt khổ hơn! – chị Nguyễn Thị Thảo, chủ vựa thu mua măng lớn ở Núi Cấm cho biết.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp huyện Tịnh Biên, nếu tận dụng và khai thác tốt diện tích đất rừng khu vực Núi Cấm thì người dân ở đây có thể trồng xen rất nhiều loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Trồng tre lấy măng luôn là ưu thế của vùng này, bởi mưa nhiều, mùa măng thường kéo dài, giúp người dân có thu nhập cao mà không phải tốn kém nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, để tránh điệp khúc “trúng mùa mất giá” thì ngành chức năng cần liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng Bảy Núi.
Nhiều nhà vườn lâu năm cho biết, một ha đất rừng có thể trồng xen được 1.000 bụi tre lấy măng. Khi tre phát triển mạnh sau vài năm có thể cho năng suất từ 80 -100 tấn/ha. Tiềm năng trồng tre dưới tán rừng lấy măng ở khu vực Núi Cấm còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng triệu tấn măng tươi mỗi năm. Nếu như có sự đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ thì sản phẩm măng tre mạnh tông sẽ có điều kiện vươn xa hơn.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]