Theo quảng cáo từ một tờ rơi "Đào tạo lái xe cấp tốc giá rẻ" dán ở cột điện trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM), trong vai một người có nhu cầu học bằng B2, chúng tôi gọi điện thoại đến số 0933.456(…).
Bảo đảm đậu 100%
Đầu dây bên kia, giọng một thanh niên đon đả: "Trung tâm em là chỗ ngon nhất, nhì tại TP.HCM hiện nay. Tụi em có xe đón học viên tại nhà, ngoài ra học viên có thể sắp xếp thời gian học trong tuần bất kỳ lúc nào… Giá chỉ 3,2 triệu đồng". Về số giờ học thực hành và thời gian có thể lấy được bằng, người này cho biết thời gian học tùy thuộc trình độ của từng học viên. Nếu ai học yếu, có thể bố trí giáo viên dạy kèm, thời gian lấy bằng lâu nhất là 3 tháng. Chúng tôi hỏi liệu có chắc chắn đậu không, người này khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Bảo đảm đậu 100%, không đậu trả lại tiền".
Cũng từ thông tin dán trên cột điện, chúng tôi gọi vào số 090.356.7(…). Giọng một phụ nữ cho biết học bằng lái xe B2 giá thu 6 triệu đồng, chưa tính phí sát hạch khoảng 2 triệu đồng và một số khoản lặt vặt khác. Khi được hỏi học và thi sát hạch ở trung tâm nào, người phụ nữ trả lời vòng vo rồi chốt lại: "Về địa điểm thi thì phải đến gần ngày thi mới biết".
Quảng cáo đào tạo lái xe cấp tốc không chỉ dán ở các cột điện dọc các tuyến đường mà hiện nay trên mạng cũng xuất hiện nhiều trang website nhận đào tạo với giá rất thấp.
Thử vào trang hoclaixeotogiare.com và gọi theo đường dây nóng, chúng tôi được nhân viên cho biết giá học thi bằng B2 là 5,5 triệu đồng, chia 3 lần đóng. Hỏi có thể bao đậu lý thuyết hay không, người này trả lời, nếu bao đậu lý thuyết phải đóng thêm 2,5 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có nhiều người bị lừa với chiêu "giá rẻ, bao đậu". Điển hình anh Nguyễn Văn A. (ngụ quận 7) qua quảng cáo trên mạng đã đăng ký học lái xe ô tô hạng B2 cho một người tên H. với giá chỉ 3,5 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, anh A. chờ gần nửa năm vẫn không thấy H. gọi đến học. Anh A. liên hệ lại H. thì được trả lời hiện các trung tâm đào tạo đều đã kín chỗ, muốn học phải đóng thêm 5 triệu đồng. Phóng lao phải theo lao, anh A. chuyển tiền tiếp và rồi sau đó không thể liên lạc được với H.
Cơ quan điều tra đang điều tra xử lý vụ một đối tượng tên Phú thành lập website để chiêu sinh học viên có nhu cầu học bằng lái xe các loại. Sau đó, Phú liên kết với một số giáo viên giảng dạy tại các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn TP để "chiêu sinh". Lúc đầu, nhóm người này chỉ thu mỗi học viên từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với bằng B2 và 6 triệu đồng đối với bằng FC rồi viện mọi lý do "móc túi" của người học. Sau khi "ôm" được hơn 1 tỉ đồng thì bị "bể", cả nhóm bỏ trốn.
"Không thể có gian lận..."
Theo Phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện có một số đối tượng dán các tờ rơi tại các cột điện, công trình công cộng… rao học phí đào tạo lái xe bằng B2, FC với giá rất thấp. Đây là hình thức lừa đảo, đánh vào tâm lý ham rẻ của người học. Sau khi "dụ" được người học, họ tìm mọi cách để thu thêm tiền rồi bỏ trốn hoặc tắt điện thoại. Ngoài ra, có cả trường hợp chiêu sinh xong thì "bán" hồ sơ lại cho các trung tâm đào tạo để hợp thức hóa.
"Đặc biệt các cơ sở này lách luật bằng cách mở các văn phòng tư vấn đào tạo sát hạch lái xe, thường chọn tại các vị trí đắc địa và thu với giá rất rẻ để thu hút học viên. Thời gian qua, chúng tôi đã kết hợp với Thanh tra Giao thông, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và các cơ quan khác kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Hiện các cơ sở được Sở GTVT TP.HCM cấp phép đủ điều kiện đào tạo và sát hạch lái xe đều đã được công khai tại cổng thông tin điện tử của Sở GTVT. Để tránh bị lừa, người dân nên tìm hiểu kỹ và nên tìm đến các trường trong danh sách này để đăng ký học, tránh bị mất tiền oan" - ông Trịnh Văn Minh, Phó trưởng Phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, cảnh báo.
Ông Minh cũng cho biết hiện phí đào tạo và sát hạch lái xe đều do các trung tâm xây dựng theo Thông tư 72 sau đó báo lên Sở GTVT để xem xét. Còn theo đại diện một số trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn TP.HCM, hiện học phí đối với bằng B2 tối thiểu là 8,5 triệu đồng mới đủ kinh phí đào tạo.
Nói về việc một số website, cơ sở "bao đậu lý thuyết và đậu 100%", ông Minh cho biết đến nay, tất cả các trung tâm sát hạch trên địa bàn TP đã sử dụng hệ thống tự động để chấm sát hạch lái xe. Ngoài ra, trong quá trình thi lý thuyết đều được giám sát bằng camera tại các phòng thi và chiếu ra màn hình cho tất cả các học viên cùng xem. Việc chấm sát hạch đều bằng thiết bị cảm ứng để hạn chế sự can thiệp của con người. Trong quá trình thi, camera tự động chụp hình liên tục, vì thế không thể tự động thay thế người hoặc can thiệp nên không thể có gian lận được. Do đó, việc các "cò" hứa đậu 100% chỉ nhằm mục đích lôi kéo học viên để lừa đảo.
Phát hiện 1.633 bằng giả
Theo Phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe Sở GTVT TP HCM, thời gian qua đã phát hiện và thu hồi 1.633 bằng giả. Trong đó, năm 2014 và 2015 có 931 trường hợp, năm 2016 có 289 trường hợp và năm 2017 có 413 trường hợp. Đa số các bằng giả là bằng giấy do các điểm cấp, đổi GPLX của sở phát hiện thu hồi chuyển về. Một số khác do các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ nghi ngờ nên gửi văn bản về phòng để xác minh.
|