Hạt dẻ Tàu “mượn danh” hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh là một trong những đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng. Với sự khác biệt về thời tiết, khí hậu và đặc biệt là thổ nhưỡng, hạt dẻ trồng trên đất Trùng Khánh luôn được biết tới là đặc sản có một không hai. Các chỉ tiêu về hàm lượng nước, gluxit, lipit, protein… trong nhân của hạt dẻ Trùng Khánh luôn vượt trội so với các loại hạt dẻ trồng ở những nơi khác. Chính nhờ sự khác biệt đó, từ tháng 3/2011, hạt dẻ Trùng Khánh đã được đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm khẳng định thương hiệu riêng cho loại đặc sản này.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, cứ vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là lúc giáp Tết Nguyên đán, một lượng lớn hạt dẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường với cái mác “hạt dẻ Trùng Khánh” đánh lừa người tiêu dùng. Khảo sát một vòng tại nhiều chợ đầu mối trên thị trường Hà Nội như: chợ Hà Đông, Long Biên, Phùng Khoang… và nhiều chợ dân sinh khác vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, PV ghi nhận hầu như tất cả những nơi này đều bày bán rất nhiều loại hạt dẻ nhái này.
Thậm chí, chúng còn được rao bán trên các trang mạng, diễn đàn xã hội. Đơn cử như trên một số trang facebook bán hạt dẻ có tên “Hạt dẻ lon ton”, chủ trang này rao bán “hạt dẻ Trùng Khánh” gồm nhiều loại như: hạt dẻ sống đã khía vỏ giá 75 nghìn đồng/kg, hạt dẻ rang thường giá 90 nghìn đồng/kg, hạt dẻ rang bơ giá 80 nghìn đồng/hộp loại 0,5kg… Liên hệ với người bán, tất cả đều khẳng định đó là hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu.
Để tìm hiểu rõ thực hư loại hạt dẻ “mượn danh” hạt dẻ Trùng Khánh đang bày bán trên thị trường, PV báo Giao thông đã lên tận tỉnh Cao Bằng. Ngay tại cổng Bến xe tỉnh Cao Bằng và trong chợ trung tâm TP Cao Bằng, nhiều hàng quán bày bán hạt dẻ mọc lên nhan nhản. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc thực sự của loại hạt dẻ này, những người bán tại đây đều khẳng định đó là hạt dẻ Trung Quốc. “Mùa thu hoạch chính của hạt dẻ Trùng Khánh bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch và thường chỉ kéo dài trong khoảng một tháng. Giờ này lấy đâu ra hạt dẻ Trùng Khánh mà bán. Tất cả đều nhập ở bên Trung Quốc.
Cả hạt dẻ dưới Hà Nội cũng đều mua của chúng tôi trên này hết”, chị H., chủ sạp bán hạt dẻ ở chợ Cao Bằng nói. Trong khi đó, anh Hoàng Văn C., người dân gốc Trùng Khánh cũng khẳng định, hiện nay lượng hạt dẻ “xịn” ở Trùng Khánh rất hạn chế, muốn mua được phải vào tận vườn và đặt hàng trước vụ thu hoạch nhiều tháng mới có. Từ nhiều năm trước, các thương lái Trung Quốc biết được tiếng tăm của hạt dẻ Trùng Khánh đã tìm cách mang giống về nước họ trồng.
Tuy nhiên, dù hạt dẻ ở Trung Quốc cho sản lượng cao hơn nhưng chất lượng không thể bằng hạt dẻ Trùng Khánh. “Hạt dẻ Trùng Khánh “xịn” thì các hạt luôn to đều nhau và to hơn hạt dẻ rừng 5 - 6 lần. Bề ngoài có hình dáng hơi tròn, vỏ màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt màu vàng tơ, bùi và thơm ngậy. Đặc biệt là hạt dẻ Trùng Khánh rất ít bị thối, hỏng phần nhân. Không tin mọi người cứ mua thử thứ hạt dẻ đang bán ngoài chợ bây giờ mà xem, 10 hạt thì có đến 3-4 hạt bị hỏng”, anh C. cho hay.
Trái cây, bánh kẹo Trung Quốc nhái đặc sản Việt Nam
Không chỉ hạt dẻ, vào thời điểm giáp Tết, các loại trái cây xuất xứ Trung Quốc cũng bày bán nhan nhản trên các tuyến đường ở Hà Nội. Tại đường Nguyễn Xiển, nơi lâu nay vẫn được mệnh danh là “phố hàng rong di động”, các loại hoa quả như quýt, cam, nho, táo… được gắn mác đặc sản Việt Nam như “quýt Hà Giang”, “cam Tuyên Quang”, “nho Ninh Thuận”… nhưng lại bán với giá rẻ bất ngờ. Cam và quýt chỉ khoảng 15 nghìn đồng/kg; nho cũng chỉ 20 - 30 nghìn đồng/kg. So sánh với các loại đặc sản này đang bày bán trong các siêu thị lớn, giá bán thấp hơn đến gần chục lần.
Ngoài trái cây, các loại bánh kẹo, mứt xuất xứ từ Trung Quốc được gắn nhãn mác “đặc sản” của nhiều vùng nổi tiếng ở Việt Nam cũng lợi dụng thời điểm giáp Tết Nguyên đán ồ ạt tràn sang. Mới đây, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ nhiều lô bánh kẹo, mứt Tết ghi nhãn mác Trung Quốc nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc đang trên đường tràn ra thị trường tiêu thụ. Điều đáng nói là kiểm tra bên trong những hộp đựng sản phẩm Trung Quốc này có hàng nghìn tem nhãn ghi tiếng Việt với những danh xưng như “đặc sản Sa Pa”, “đặc sản Đà Lạt”…
Trước đó không lâu, vào đầu tháng 1/2016, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng bắt giữ và tiêu hủy hàng chục bao tải hạt hướng dương Trung Quốc nhập lậu vào thị trường Việt Nam.
Trong khoảng gần một tháng trở lại đây, một lượng lớn dưa lê Trung Quốc được tạo hình “độc” như hình thần tài, hình các chữ phúc, lộc, thọ, hình em bé nhân sâm bỗng ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam. Các loại trái cây này được chào bán với giá chỉ 50 - 70 nghìn đồng/quả nên có lượng tiêu thụ rất lớn.
Các chuyên gia trái cây Việt Nam nhận định, loại quả này được thu hoạch từ lúc còn xanh nên chỉ có thể mua để trang trí chứ không nên sử dụng. Trên các trang mạng ở Trung Quốc xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh phát hiện quả dưa hấu được cho là làm giả từ cao su. Quả dưa hấu này bề ngoài rất giống dưa hấu thật nhưng phần trong ruột lại dẻo như cao su.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]