Còn nhớ, những năm đầu thập niên 90 khi hàng thùng còn gọi là hàng sida mới xâm nhập vào Việt Nam, đối tượng khách hàng thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn muốn mua quần áo cũ với số lượng nhiều và rẻ tiền thì ngày nay kinh doanh hàng thùng có nhiều nét mới.
Người giàu cũng "ham"
Theo chị Đỗ Lan Anh – người từng kinh doanh hàng thùng lâu năm, thông thường các chủ hàng đi đánh hàng trực tiếp lấy theo kiểu nguyên đai, nguyên kiện, giá khoảng 10- 15 triệu đồng/kiện. Buôn hàng thùng độ may rủi rất cao, có những lô hàng quần áo đều và đẹp có thể cho lãi từ 5-10 triệu đồng/kiện, nhưng nếu chẳng may lấy phải lô quần áo xấu có khi phải vứt cả kiện, hoặc bán đổ đống với giá 10.000 đồng/chiếc vẫn lỗ vốn.
Chính vì vậy, sau khi lấy hàng về các chủ lớn mở kiện và phân loại. Hàng được chọn lựa kỹ ngay sau khi mở kiện (còn được gọi là hàng "nước một"), được phân phối cho những người chuyên bán hàng thùng "xịn", hay những khách hàng sành điệu. Giá bán thường rất cao, nhưng hàng đảm bảo chất lượng, vừa mới vừa đẹp. So với hàng hiệu giá vẫn rẻ hơn một nửa. Một chiếc áo hay quần của hàng "nước một" có thể có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/ sản phẩm.Tiếp đến là hàng "nước hai", "nước ba", giá rẻ hơn, có khi chỉ 40.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm. Rẻ nữa còn gọi là hàng "chân" đổ đống, có nơi thậm chí chỉ bán từ 10.000- 20.000 đồng/sản phẩm.
Thực tế cho thấy, dân "nghiền" hàng thùng không chỉ là những người ít tiền, thích diện mà còn có cả những "quý cô", "quý bà" lắm tiền, sành điệu, ưa hàng hiệu. Vì vậy những điểm kinh doanh hàng thùng càng ngày càng có "đất phát", mọc lên nhiều hơn như nấm sau mưa.
Bên cạnh điểm nổi tiếng là Đông Tác, từ cách phân loại sản phẩm, hàng thùng cũng tỏa đi khắp nơi trên địa bàn Hà Nội, với những cửa hàng tương ứng chất lượng. Từ shop hàng thùng cao cấp ở trên các phố trung tâm như: Phan Bội Châu, Kim Mã, chợ hàng Da…, hay các cửa hàng bình dân tại các tuyến phố Xã Đàn,Thành Công, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Văn Huyên… Thậm chí cả vỉa hè cũng là nơi hàng thùng chiếm lĩnh với giá "bèo" chỉ 10.000-20.000 đồng/chiếc.
"Đồ nhỏ", mối nguy lớn
Có một điều lạ, không chỉ quần áo mặc ngoài, ngay cả đồ lót, quần áo tắm cũng được nhiều chị em ưa chuộng. Chị Thu Hà, quận Hai Bà Trưng cho biết: "Tôi hay đi bơi nên hè năm nào tôi cũng đi lùng mua bộ áo tắm hàng thùng". Khi được hỏi liệu mua đồ lót dùng rồi có sợ lây bệnh, chị Linh hồn nhiên nói: "Sợ gì mỗi lần mua về phải giặt sạch, phơi khô, làm sao lây bệnh được".
Mua hàng thùng là sở thích của nhiều người, nhưng không phải ai cũng biết chọn cho mình sản phẩm tốt. Một dân "chơi" hàng thùng lâu năm chia sẻ: mua hàng thùng phải rất kỳ công, có sức khỏe tốt để "gạn đục khơi trong", bới tìm trong một đống ngổn ngang sản phẩm. Đầu tiên là chọn màu sắc, sau đến chất liệu, kiểu dáng. Muốn thử chất lượng vải, cầm lên tay rồi vò nát, sau kéo căng ra. Vải không bị nhàu và dãn quá là được. Tiếp đến phải chú ý đến đường kim, mũi chỉ, nhãn mác của sản phẩm. Chú ý xem có bị sờn rách chỗ nào, bị vết ố mồ hôi ở nách, sờn rách ở cổ không, cúc áo có đủ hay thiếu.
Đặc biệt dân mua hàng thùng sợ nhất là vớ phải hàng mới (hàng Việt Nam bị lỗi, chất lượng thấp bị chủ cửa hàng trà trộn vào, vò nát giả vờ hàng thùng để bán cắt lỗ). Những sản phẩm này nếu mua theo giá hàng thùng sẽ bị đắt hơn so với hàng đống ngoài chợ. Hoặc dân "non" tay mới "lạc" vào thế giới hàng thùng rất dễ bỏ qua hàng "xịn", mà rinh phải đồ mà khi mang về chỉ để làm giẻ lau nhà.
Theo một chủ cửa hàng ở Đông Tác, khi đi mua hàng, khách nên vào sâu khu bên trong trước, vì các cửa hàng bên trong giá bán bao giờ cũng "mềm" hơn so với khu vực bên ngoài có vị trí đắc địa. Khách mua hàng cũng nên đi vào thứ bảy, chủ nhật, thời điểm được người bán ưu tiên khui kiện mới, dễ mua được sản phẩm ưng ý.
Hàng thùng dẫu biết đẹp, rẻ và "độc", tuy nhiên nhiều chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng với sức khỏe của bản thân khi chọn lựa và sử dụng sản phẩm. Hàng thùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh tật, đặc biệt đối với người sử dụng đồ mặc tiếp xúc trực tiếp với cơ thể như đồ lót. Nếu chẳng may chủ nhân của bộ đồ mặc quần áo lúc trước mắc bệnh về da liễu, nguy cơ lây bệnh là rất cao.
Người tiêu dùng không nên mua quần áo đã quá cũ, mục nát, vì trong đó có thể tồn tại rất nhiều loại vi khuẩn tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều chủ hiệu không ngại nhuộm, tẩy, hấp, xử lý hóa chất để sản phẩm trông mới và bắt mắt hơn dễ cho việc tiêu thụ, nhưng cũng gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]