Quảng cáo câu khách “hoành tráng” tại một cửa hàng chăn ga gối đệm trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: N.M
Treo biển dụ khách
Theo khảo sát của PV, trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Nguyễn Trãi, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch…, từ hệ thống bán hàng điện máy đến các shop quần áo mùa đông, cửa hàng chăn ga gối đệm, giầy dép… đều “đua nhau” treo biển giảm giá theo nhiều mức khác nhau. Có cửa hàng giảm từ 10 - 50%, nhưng cũng có nơi đề giảm giá lên đến 70%. Có những cửa hàng còn có hình thức quảng cáo bắt mắt như “Xả hết – Lỗ cũng bán”, “Trả cửa hàng - Giá nào cũng bán”… thu hút khách vào thăm quan, mua sắm.
Tại một cửa hàng bán quần áo mùa đông trên phố Chùa Bộc (Đống Đa), biển quảng cáo “sale off 50%” cũng mời gọi được nhiều tín đồ thời trang, nhất là phái nữ. Tuy treo biển giảm giá 50%, nhưng khi vào bên trong khách hàng mới “té ngửa” vì giá đó chỉ áp dụng cho một số loại quần áo “đổ đống” ở góc nhà, gồm nhiều áo phao và áo len các loại. Còn quần áo được cho là hàng đẹp treo trên giá thì vẫn giữ nguyên mức giá cũ hoặc chỉ giảm từ 5-10%.
Chị Nguyễn Thu Trang (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) đang cố chọn cho mình một chiếc áo phao trong đống đồ giảm giá thở dài: “Đúng là hàng giảm giá. Mấy kiểu áo phao này lỗi “mốt” từ năm ngoái rồi, đa phần là hàng loại 2, loại 3, có cái còn bị lỗi đường may, sứt chỉ. Mua quần áo kiểu này, mang tiếng là giảm giảm 50% nhưng tính ra là vẫn bị đắt”.
Đứng trong cửa hàng chăn ga gối đệm với quảng cáo “Giá nào cũng bán” cũng tương tự. Bà chủ cửa hàng đon đả quảng cáo sản phẩm: “Cháu cứ xem hàng đi, thích cái nào cô để giá gốc cho”. Tuy nhiên, qua khảo sát giá của một số loại chăn, đệm điện thì mức giảm so với đầu mùa không đáng kể, chỉ từ 10.000 – 30.000 đồng/sản phẩm, khác hẳn với những gì được quảng cáo trước đó.
Trên thực tế, không phải cửa hàng nào treo biển thanh lý, giảm giá cũng hút khách. Tình trạng khách vào ngắm “cho vui” cũng diễn ra phổ biến. Một phần vì xu hướng lựa chọn của khách hàng thời điểm này thường chuộng đồ tốt, kiểu dáng đẹp, sau đó mới tới mức giá mềm. Phần khác vì giá thực của sản phẩm được quảng cáo là giảm giá lại không được như kỳ vọng của khách hàng. Nhiều người, sau một hồi tham quan, đã phải “lắc đầu” ra về vì “mắc bẫy” câu khách của chủ cửa hàng. Chị Nguyễn Thùy Trang có việc đi qua phố Phạm Ngọc Thạch, thấy cửa hàng giày dép hàng hiệu giảm giá đến 50% liền vào xem thử. Nhưng chị Trang cho biết, mức giá đã được giảm vẫn quá đắt, lên đến tiền triệu nên chị chỉ vào ngắm chơi thôi.
“Bát nháo” hàng giảm giá
Bên cạnh những điểm xả hàng, các chương trình giảm giá của các thương hiệu lớn hay các cửa hàng có tiếng ở Hà Nội, khách hàng vẫn phải cẩn trọng với các “chiêu trò” mượn hình thức giảm giá để bán hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với giá cao.
Trường hợp của bạn Nghiêm Thị Hòa (sinh viên Học viện Ngân hàng) là một ví dụ. “Thấy treo biển giảm giá 50 - 70%, chị chủ cửa hàng lại giới thiệu là cuối năm nên thanh lý hàng giá rẻ, mua nhanh kẻo hết, mình đã mua 2 chiếc áo len với giá 180.000 đồng/chiếc. Cứ hí hửng mua được hàng đẹp giá rẻ, ai ngờ mặc được vài lần mới biết là bị lừa. Rõ ràng có gắn mác “Made in Vietnam” nhưng khi giặt mình mới để ý phần cổ áo bên trong và phần dưới cánh tay bị lỗi rất nhiều. Giặt vài lần là len đã bị xù hết lên. Đúng là không nên tham đồ thanh lý, giảm giá”, Hòa chia sẻ.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thị trường, chị Phạm Minh Huyền (Vạn Phúc, Hà Đông) cho biết: “Khó có sản phẩm nào giảm giá “sâu” từ 50-70% được. Bán như thế thì chẳng khác nào họ đi buôn không công à? Một là, họ “độn” giá gốc lên, đến khi khách hàng hỏi thì họ giảm xuống theo đúng quảng cáo. Thực chất, mức giảm là không đáng kể. Hai là, có những mặt hàng giá được giảm rất nhiều so với thực tế, nhưng có thể đó chỉ là hàng loại 2, loại 3 được “trà trộn” vào cùng hàng chính hãng. Nếu không tinh ý thì người tiêu dùng rất dễ bị hình thức này đánh lừa”.
Giảm giá quá 50% là phạm luật
Giảm giá, khuyến mại là tạo thêm cho người tiêu dùng nhiều cơ hội mua sắm các sản phẩm chất lượng tốt với giá ưu đãi. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc các doanh nghiệp, cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn Thủ đô “ồ ạt” tung ra các chương trình giảm giá để câu – kéo khách đang khiến người tiêu dùng cảm thấy hoài nghi về chất lượng các sản phẩm được giảm giá. Đó là đứng dưới góc độ người tiêu dùng, còn về góc độ luật pháp thì những hình thức giảm giá “khủng” này đang có dấu hiệu vi phạm.
Ông Nguyễn Minh Khoán, Phó đội trưởng Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, tại điều 6, mục 1, chương 2 của Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định: “Mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”. Do vậy, tình trạng giảm giá từ 50 - 70% đã vi phạm quy định này.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]