Sinh viên - với điều kiện không có nhiều tiền để chi tiêu - nên phần lớn đều chọn những khu chợ đêm để sắm sửa cho mình những thứ thiết yếu, chính vì lý do đó, mà vào những ngày cuối tuần, khu chợ đêm Phùng Khoang luôn nhộn nhịp. Do nằm gần nhiều trường đại học như Khoa học xã hội và Nhân văn hay Đại học Khoa học Tự nhiên nên các cửa hàng trong chợ ít khi vơi khách.
Chị Linh - chủ một sạp hàng trong chợ Phùng Khoang - cho biết: “Vào các ngày cuối tuần, cửa hàng chị phải tăng cường thêm nhân viên bán hàng. Khách hàng chủ yếu là sinh viên nên đồ không thể bán đắt được”.
Hàng hóa trong chợ đủ loại, từ quần áo, giày dép, túi xách, đồ ăn… Tất cả đều được bán với giá rất … “sinh viên”. Một chiếc áo khoác dạ mùa đông chỉ có giá khoảng 200.000 đồng, áo phao từ 150.000-200.000 đồng, áo len có giá từ 80.000 - 100.000 đồng… Mùa đông đang đến nên các cửa hàng quần áo hiếm khi “ngơi tay”.
Bên cạnh việc trưng giá cả hấp dẫn, nhiều cửa hàng còn treo các bảng giá khuyến mãi giảm từ 30-50%.
Lan - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - cho biết: “Mùa đông đến rồi, em rủ bạn vào đây sắm quần áo. Sinh viên không dư dả tiền bạc nên tụi em thường vào đây mua đồ. Chỉ với 300.000 đồng, em có thể mua cho mình đầy đủ áo len và áo khoác ấm, trong khi đó, với số tiền này vào các shop hoặc trung tâm thời trang, không biết có mua được một chiếc áo không”.
Không chỉ mặt hàng quần áo bán chạy, mà đồ mỹ phẩm hoặc phụ kiện cũng “ăn nên làm ra” vào mỗi dịp cuối tuần. Giày dép, túi xách chỉ dao động trong khoảng 80.000 -150.000 đồng/sản phẩm; mỹ phẩm cũng rất đa dạng, từ phấn, kem trang điểm, sơn móng tay đến nước hoa “giả” nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng cũng có mặt…
Chất lượng thả nổi
Thật khó để đòi hỏi sản phẩm có chất lượng tốt với mức giá như vậy. Nếu làm một phép tính đơn giản có thể thấy, với cùng một sản phẩm thì giá ở chợ đêm có thể rẻ gấp 3 - 5 lần so với giá trong các cửa hàng thời trang hoặc trung tâm mua sắm. Lý giải cho thắc mắc này của PV, chị Linh chia sẻ thêm: “Hàng hóa ở chợ phần lớn là hàng nhập từ Trung Quốc, tính theo lô nên giá rẻ. Hơn nữa, người mua chủ yếu là sinh viên và người có thu nhập thấp, nên bán đắt cũng chẳng ai mua. Vì thế, có khi muốn nhập hàng tốt, giá cao hơn một chút về bán nhưng cũng sợ bị ế”.
Cũng chính vì chạy theo giá cả nên chất lượng hàng hóa ở đây không có ai đảm bảo. Sản phẩm mua về dùng không bền, nhanh xuống cấp.
Hằng - sinh viên Học viện Bưu chính - Viễn thông - chia sẻ: “Mua hàng giá rẻ đôi khi phải chấp nhận những rủi ro thôi. Có lần em mua chiếc váy ở chợ đêm, nhìn thì ưng mắt lắm, kiểu dáng rất đẹp, nhưng khi giặt lần đầu tiên, sản phẩm phai đỏ cả chậu nước, khi mặc lên người có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu nên em sợ không dám sử dụng tiếp”. Hỏi tại sao biết chất lượng tệ như vậy mà vẫn tiếp tục mua? Hằng cho rằng: “Sinh viên không nhiều tiền, muốn có đồ dùng thì phải chấp nhận mua những mặt hàng không rõ chất lượng ra sao. Nhiều khi là do hên xui thôi ạ, may mắn thì cũng chọn được những hàng dùng được”.
Số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra là thật - dù không nhiều - nhưng chất lượng lại phụ thuộc vào sự “hên - xui”. Phải chăng, nhiều khách hàng (trong đó phần lớn là sinh viên) đang đánh cược với những đồng tiền và cả sức khỏe của mình?
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]