Phẫu thuật thẩm mĩ để bán kem “fake” trắng da
Chuyện phẫu thuật thẩm mĩ không còn là một công việc bị lên án nhiều như trước kia. Những cô gái có gương mặt không được ưa nhìn lắm giờ có thể tự tin hơn bằng cách trang điểm, phẫu thuật thẩm mĩ. Tuy nhiên, việc làm giàu từ sau khi phẫu thuật thẩm mĩ và kiếm tiền từ chính khuôn mặt xinh đẹp đã qua phẫu thuật của mình thì chắc ít ai có thể nghĩ đến.
Gần đây, cư dân mạng đang xôn xao về hình ảnh "lột xác" từ quá trình phẫu thuật thẩm mỹ của một cô gái tên là Tạ Thu T. Nhờ sự nổi danh của mình trên mạng, T đã rao bán các loại mỹ phẩm, các loại kem dưỡng da, trắng da. Nhìn khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng hồng của T, nhiều bạn trẻ đã tin tưởng và không ngần ngại quyết định mua các loại sản phẩm của cô.
Tuy nhiên, sau khi mua và dùng sản phẩm của T., rất nhiều khách hàng đã phát hiện ra đó chỉ là hàng “fake”, thậm chí có những loại kem mà T. bán còn như được pha chế lại, gây dị ứng cho người sử dụng. Không chỉ một mà khá nhiều khách hàng đã “tố” rằng T. đã lợi dụng độ “hot” trên mạng và khuôn mặt “hoàn hảo” sau phẫu thuật của mình để kiếm bộn tiền từ việc bán hàng “fake”, kém chất lượng.
Một khách hàng "tố" bạn T., sau khi phẫu thuật bán hàng "fake" gây dị ứng
Các loại kem do T., bán còn bị khá nhiều bạn trẻ tẩy chay vì chất lượng thì kém mà giá thành thì lại đắt hơn rất nhiều so với những địa chỉ khác. Nhiều khách hàng còn cho rằng mình đã vô cùng thiếu may mắn khi mua hàng của T., tiền thì mất, tật thì mang.
Người bán dùng chiêu trò, chỉ hại người tiêu dùng
Không giống như T., một số các trang bán hàng trên mạng thường xuyên sử dụng các loại “feedback” (phản hồi) giả, tự tạo để đánh lừa người tiêu dùng. Việc dùng một sim diện thoại khuyến mại để nhắn tin phản hồi về chính sản phẩm mà mình bán, sau đó che đi phần số điện thoại đã được khá nhiều người bán hàng sử dụng, nhằm tạo ra những thông tin, phản hồi tốt về sản phẩm, để lấy lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, người bán hàng cũng hay dùng chiêu thức tạo ra những trang Facebook ảo, để đánh lừa thông tin về sản phẩm đối với các khách hàng đang quan tâm.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng nhận ra và không còn quá tin vào các phản hồi kiểu này khi được chính những người bán hàng cung cấp bằng hình ảnh nữa, mà thường sẽ trao đổi trực tiếp với những facebook có thật đã từng mua sản phẩm, từ đó có thêm thông tin, kinh nghiệm về sản phẩm đó rồi mới quyết định có nên mua và sử dụng hay không.
Một khách hàng bị dị ứng do tin vào những lời quảng cáo sản phẩm trắng da trên FB
Dù vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ sự “thông minh”, sáng suốt khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm trên mạng xã hội kiểu này. Chị Vũ Hương Giang (Đống Đa, HN) chia sẻ “Vì không có nhiều thời gian nên tôi thường xuyên mua các sản phẩm trên mạng internet, thậm chí là các sản phẩm làm đẹp. Nhưng về mức độ an toàn của sản phẩm thì tôi cũng chỉ tham khảo được qua các phản hồi của những người đã dùng sản phẩm đó trên chính trang bán hàng ấy. Dù vậy, cũng đã có một vài lần tôi mua phải những sản phẩm có chất lượng kém, không được như quảng cáo, thậm chí không được giống như những phản hồi tốt về sản phẩm mà tôi đã đọc được”.
Người bán hàng thì dùng đủ loại chiêu trò để quảng cáo, bất chấp mọi thủ đoạn để thu được lợi nhuận cao về phía mình. Chất lượng của sản phẩm đường như không được coi trọng, một số người bán hàng “fake”, hàng kém chất lượng, pha trộn hàng mà không nghĩ đến những hậu quả từ việc làm của mình mang lại. Tuy nhiên, người bị hại ở đây là người tiêu dùng, họ dùng những sản phẩm này mà không biết những sản phẩm này gây hại cho sức khỏe của mình như thế nào. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc, xem xét thông tin sản phẩm kĩ càng trước khi mua và sử dụng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm được rao bán trên mạng, để tránh bị người bán hàng “lừa gạt” thông tin.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]