Quảng cáo một đằng, hàng một nẻo
Xem qua mạng, chị Nguyễn Thị Ngọc ở TP. Hưng Yên đã đặt mua bộ quần áo Hello Kitty cho cô con gái với giá 160.000 đồng. Theo quảng cáo, bộ quần áo là hàng Việt Nam xuất khẩu cao cấp, chất nỉ dày dặn, màu sắc trang nhã. Để tiền ship rẻ nhất, chị Ngọc nhờ một người họ hàng lấy hộ (hết 20.000 đồng) rồi cuối tuần mang về quê giúp. Song, khi nhận được sản phẩm, chị Ngọc điếng người vì đã bị lừa.
“Người nhà mình bảo lúc nhận hàng là một món đồ màu tím vàng trông rất quê, đựng trong túi bóng đã nhàu nát. Bộ quần áo không có nhãn mác, giá thành. Mình không tin, nhưng đến lúc cầm đến bộ quần áo thì thấy nó chỉ đáng giá 30.000 đồng, quá thất vọng”, chị Ngọc bức xúc.
Bộ quần áo giá 160.000 đồng không nhãn mác.
Trong khi đó, vì mê các sản phẩm trên mạng và không có điều kiện xem hàng tận nơi, chị Thu Hiền, giáo viên trường cấp 2 tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cũng đã đặt mua một số sản phẩm và “dính” phải hàng kém chất lượng.
Chị Hiền kể, hôm trước vào một website bán giá treo nhà bếp và lọ thuốc thả bồn cầu. Cửa hàng quảng cáo giá làm bằng hợp kim nhôm, thiết kế nhỏ gọn vừa cắm được dao, đũa, thìa, thớt, khăn lau... Còn thuốc thả bồn cầu sẽ giúp bồn cầu sạch bóng, vệ sinh. Sau khi khảo sát giá về sản phẩm ở trên mạng, chị liền đặt 1 giá treo nhà bếp và hai lọ thuốc, tổng số tiền là 380.000 đồng. Tuy nhiên, khi người nhà mang hàng từ Hà Nội về, chị mới ngã ngửa vì hàng toàn đồ “lởm”. Giá treo nhà bếp mỏng manh rất dễ gãy. Còn lọ thuốc thả bồn cầu chất lượng không khác gì mấy lọ bán 20.000 đồng đầy chợ. Mình vừa bị người nhà mắng, vừa bực vì bị lừa.
Thiệt đủ đường
Nhược điểm của các tín đồ mua hàng qua mạng ở quê là không trực tiếp đến lấy sản phẩm, không xem được chất lượng sản phẩm thực tế như thế nào.
Minh Hằng, học sinh lớp 12 ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa cũng vừa bị lừa vì mua phải giầy “đểu”. Hằng cho biết, khi xem trên một trang mạng thấy có bán giày “handmade”, mẫu mã và chất lượng chụp qua ảnh rất ổn. Để chắc chắn, Hằng gọi điện thẳng cho cửa hàng hỏi về chất lượng và giá cả. Cửa hàng cam kết hàng sản xuất giống hệt ảnh chụp.
Giá treo nhà bếp chị Hiền mua không đúng với quảng cáo.
“Đôi giày giá 300.000 đồng. Muốn đặt hàng thì phải chuyển khoản trước. Em nghĩ là cửa hàng uy tín vì thấy số lượng người truy cập cũng như bình luận tương đối nhiều, liền chuyển tiền luôn. Chờ đợi, gọi điện giục, phải đến hai tuần sau đôi giày mới về đến quê. Đúng là sản phẩm có hình dáng, màu sắc giống hệt trong ảnh nhưng chất lượng thì không còn gì để nói. Có lẽ đây là đôi giày cũ được tân trang lại, đường chỉ cũng như kiểu dáng trông rất xấu. Em đã phải vứt đôi giày ở nhà, không muốn xỏ vào”, Hằng tâm sự.
Tương tự như vậy, anh Bùi Đức Tuấn quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua bộ dụng cụ cơ khí Fish Price được giới thiệu là hàng nhập khẩu 100% từ Mỹ, nhưng thực chất lại là hàng Trung Quốc.
Theo anh Tuấn, qua lời giới thiệu của một anh bạn ở TP.HCM, cửa hàng đồ chơi nhập khẩu đang có đợt khuyến mại, giảm giá tới 50%. Mong con được chơi đồ chơi an toàn, chất lượng cao, anh Tuấn không đắn đo bỏ ra 880.000 đồng, thanh toán trước. Khi nhận được bộ đồ chơi không như ý, anh Tuấn gọi cho cửa hàng và được trả lời hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo công nghệ Mỹ.
“Vợ mình rất bực. Cô ấy bảo bộ đồ chơi Trung Quốc thế này chỉ 200.000-300.000 đồng. Đúng là kiểu buôn bán lừa đảo".
Việc mua hàng qua mạng nhận được sản phẩm chất lượng không đi liền với giá cả đã có rất nhiều người gặp phải. Nhiều người sau khi mua hàng thấy bị lừa liền cảnh báo với các thành viên khác trên các mạng xã hội. Kinh nghiệm là người mua phải kiểm tra kỹ lưỡng, thậm chí người người trực tiếp đến xem sản phẩm có đúng như quảng cáo không mới mua
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]