Rau ở Đà Lạt đang ế, giá rẻ từ 1.000-3.000 đồng/kg khiến nông dân lỗ nặng. Trong khi đó, tại Hà Nội, cũng với các loại rau này, người dân phải mua hàng Tàu với giá đắt đỏ.
Chứng kiến thực tế lặp đi, lặp lại dường như không lối thoát này, các chuyên gia cho rằng, chúng ta đã đưa quả vải Nam tiến, giúp người nông dân Bắc Giang bán vải thiều được giá cao, thoát cảnh được mùa mất giá. Từ thành công đó, hãy làm tiếp tục với các loại nông sản khác để hỗ trợ nông dân. Điều này đặt kỳ vọng lớn vào Bộ trưởng NN - PTNT khi ông đặt trọng tâm cần làm ngay là an toàn thực phẩm và phát triển chuối sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Nghịch lý thừa – thiếu
Đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản lại rơi vào cảnh đổ đống bán không ai mua, nông dân lỗ nặng. Thanh long ở miền Nam giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, chôm chôm giá 5.000 đồng/kg… Ở Đà Lạt – vựa rau lớn nhất cả nước đang rơi vào cảnh ế, thối không người mua, giá rẻ như cho.
Giá rau bắp cải thu mua tại vườn 1.000 đồng/kg, cải thảo giá 2.000 đồng/kg, cà rốt 4.500 đồng/kg… Với mức giá này, nông dân Đà Lạt chịu thua lỗ nặng. Mỗi gốc rau trung bình phải đầu tư khoảng 3.000-4.000 đồng nhưng chỉ bán với giá 1.000-2.000 đồng/gốc. Dù rẻ nhưng nhiều nhà vườn còn không bán được rau, nguy cơ bỏ thối.
Bắp cải Đà Lạt đang được bán với giá 1.000 đồng/kg
Anh Đinh Minh Tùng, nhân viên một công ty chuyên gom mua rau ở Đà Lạt cho biết, giá một số loại rau ở Đà Lạt rẻ như hiện nay là điều khó hiểu bởi mùa này, cả nước chỉ có Đà Lạt là trồng được bắp cải và cải thảo.
“Bắp cải, cải thảo được trồng ở Đà Lạt quanh năm. Những năm trước, vào mùa mưa (mùa hè) giá các loại rau này thường cao nhất trong năm. Nhưng năm nay thì ngược lại, rau rẻ như cho mặc dù diện tích canh tác không lớn”, anh Tùng chia sẻ.
Trái ngược hoàn toàn với giá rau tại Đà Lạt, cũng là những mặt hàng rau củ trên, giá rau ở Hà Nội không những đắt đỏ mà còn khan hiếm.
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như Đồng Xa, Nghĩa Tân, Đại Từ… bắp cải được bán 15.000 đồng/kg, cải thảo bán giá 25.000-30.000 đồng/kg, cà rốt bán giá 17.000 đồng/kg. Nếu so với giá gốc tại Đà Lạt thì rau ở Hà Nội đắt gấp 15 lần.
Thậm chí, tiểu thương các chợ cũng thừa nhận, mùa này rau cải thảo, bắp cải không phải là thế mạnh của vựa rau miền Bắc nên hàng ở chợ phần lớn là hàng Tàu. Dân muốn ăn hàng Việt thì chỉ vào siêu thị.
Chị Bùi Thu Thảo ở Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đi chợ tìm mua mấy cây cải thảo về muối kim chi, nhưng đến hàng rau thứ 4 tại chợ mới mua được 3 cây. Hỏi thì được các chủ sạp cho biết, cải thảo đang hiếm, hàng Tàu không về nên không nhập được hàng bán.
Hà Nội, dân phải ăn bắp cải Trung Quốc được bán với giá 15.000 đồng/kg
Chờ bàn tay liên kết
Trước nghịch lý trên, cả nông dân và người tiêu dùng đều than thở, sao không đưa rau từ Đà Lạt ra Hà Nội bán. Như vậy, vừa tiêu thụ được rau cho người nông dân, không phải bán với giá rẻ. Đặc biệt, người tiêu dùng ở Hà Nội cũng được ăn rau Đà Lạt với giá phải chăng chứ không phải liều mình mua hàng Tàu với giá đắt đỏ.
Tuy nhiên, theo các DN kinh doanh rau quả, đưa rau từ Đà Lạt ra Hà Nội là điều không dễ dàng. Năm ngoái nhiều DN đã thử ngiệm nhưng không thành công.
Rau là mặt hàng tươi sống, dễ bị héo, hỏng. Trong khi đó, chi phí vận chuyển cực kỳ cao. Bắp cải mua tại vườn chỉ 1.000 đồng/kg, sau khi sơ chế giá sẽ là 2.000 đồng/kg. Khi vận chuyển ra Hà Nội mất thêm khoảng 5.000 đồng/kg. Với chi phí đó, đưa rau ra Hà Nội sẽ không thể cạnh tranh được với các loại rau củ quả Trung Quốc.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Đà Lạt là vựa rau lớn của cả nước. Tuy nhiên, việc sản xuất lại không có kế hoạch cụ thể, thị trường dư, thiếu bao nhiêu không biết được. Thế nên, miền Trung, Hà Nội mùa này thiếu hụt; rau Đà Lạt không ra được lại là cơ hội cho hàng các nước tràn vào, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Ông Phú phân tích, điểm yếu của chúng ta là khâu phân phối, sự kết nối vùng rất yếu, thiếu “nhạc trưởng” điều phối. Thực trạng ai cũng nhận ra là mạnh ai người ấy làm, dễ làm khó bỏ. Ông cũng thừa nhận, rau là mặt hàng khó làm, tỷ lệ héo úa, hao hụt cao nhưng không phải vì khó làm thì bỏ.
Ông Phú nhấn mạnh, sản xuất và tiêu thụ nông sản là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương. Song để giải cứu nông sản và hỗ trợ nông dân thì Bộ NN-PTNT vẫn phải đi đầu.
Vì thế, ông Phú đặt vấn đề, vừa qua, tân Bộ trưởng BNN-PTNT đã rất quan tâm vấn đề về liên kết vùng và chuỗi sản xuất bền vững hiêu quả. Với thông tin về thực trạng rau Đà Lạt, rất mong Bộ trưởng sớm tìm được cách giải quyết.
Cũng theo ông Phú, chúng ta đã thành công với quả vải. Vải thiều Nam tiến giúp người nông dân Bắc Giang bán được giá cao, thoát cảnh được mùa mất giá. Từ thành công đó, đừng dừng lại, hãy tiếp tục với các loại nông sản khác. Hãy hành động để không còn cảnh nông sản tại nơi trồng thì giá bán rẻ, thối mà đến tay người tiêu dùng giá cao một cách khó hiểu.
"Đừng để nông dân phải rơi nước mắt khi bán nông sản với giá rẻ mạt, còn người tiêu dùng mua thực phẩm kém an toàn với giá đắt', ông Phú nhấn mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]