Giá rẻ bất ngờ
Lên mạng, gõ cụm từ “bán cua Hoàng đế (Huỳnh đế)”, không khó để tìm ra các điểm chuyên cung cấp mặt hàng thủy sản “dành cho vua” này.
Trên các trang bán hàng hải sản online, cua Hoàng đế nhập khẩu đang đắt hàng trở lại. Với mức giá chênh lệch khá lớn, từ 2 đến 8 lần, các loại cua này được bán theo nhiều kiểu: nguyên con, nửa con, hoặc chỉ riêng chân, càng.
Trên trang Cuhanghaisan giao bán cua Hoàng đế nguyên con đông lạnh với giá 3,2 triệu đồng/kg, chân và càng cua đông lạnh giá 1,4 triệu/kg.
Một siêu thị hải sản tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng mới nhập về trong tháng 11 khoảng 10kg chân, càng cua Hoàng đế Alaska. Mỗi túi chứa 4 chân, càng cua có trọng lượng từ 500g đến 1,2kg, được bán với giá 1,4 triệu đồng/kg. Mỗi túi này tương đương nửa con cua, và không có phần mai cua khá nặng đi kèm.
Có ý định mua chân cua Hoàng đế về nhà chế biến, nhưng nhiều người lại thấy "gờn gợn" với mức giá "rẻ bất ngờ" của sản phẩm này. Theo nhiều bà nội trợ, giá cua Alaska thông thường không dưới 2 triệu đồng/kg cho loại có trọng lượng từ 2,5kg/con trở lên. Nếu tính theo kiểu này thì giá bán lẻ chân cua (được giới thiệu có thêm thịt tại nửa phần mình) chỉ bằng một nửa so với giá cua nguyên con. Trong khi nếu mua nguyên con, tôi còn phải bỏ đi phần mai khá nặng và hầu như không có thịt.
Thực tế, tại một số nhà hàng, siêu thị Hà Nội, giá cua Hoàng đế Alaska cũng chênh lệch khá lớn. Mỗi kg cua Alaska có thể dao động từ 2 triệu đến hơn 4 triệu đồng. Một nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội còn khẳng định, giá cua Hoàng đế loại lớn không thay đổi trong suốt hơn một năm qua, và luôn giữ ở mức gần 4,2 triệu đồng/kg cua tươi, không dưới 3 triệu đồng/kg với cua đông lạnh.
Chân cua Hoàng đế nhập khẩu chỉ được bán với giá 1,4 triệu đồng/kg, bằng 1/2 so với mua nguyên con, dù chân và càng là nơi tập trung thịt.
Của rẻ là...của ôi
Đại diện Nhà hàng chuyên về đồ biển phố Tràng Thi (Hà Nội) cho biết, 1 con cua Hoàng đế có trọng lượng từ 2,5kg đến trên 5kg, thậm chí có con nặng tới 7kg, với giá bán mỗi kg tại nhà hàng là 3,8 triệu đồng/kg.
Loài cua biển này phân bố nhiều ở khu vực Đông Nam Thái Bình Dương, ngoài bộ vỏ dày, cứng có màu vàng rực như hoàng bào, cua Hoàng đế còn độc đáo bởi hình dạng lớn với mình khum tròn, nhìn giống con bọ hay có con hình dáng như loài rùa. Mai cua hình vuông, đầu hơi chúi xuống, dài và có nhiều râu. Khác với cua thường, mỗi con cua Hoàng Đế chỉ có 6 chân và 2 càng.
Cũng chính vì lý do này mà cua Hoàng đế tại Việt Nam hiện được nhập từ Nga, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, Canada, Na Uy... chứ không phải do đánh bắt trong nước. Do đặc điểm sinh sống lâu năm ở môi trường tự nhiên nên thịt cua chắc và ngọt hơn cua bể Việt Nam. "Mỗi đợt nhập về cũng chỉ được số lượng ít, do còn việc khai thác loại cua này khó khăn", đại diện nhà hàng có bán cua Hoàng đế cho hay.
Việc nhập cua sống về phải qua một doanh nghiệp trung gian, và quy trình bảo quản, nuôi giữ cua còn tươi cho đến lúc đem chế biến cũng đòi hỏi nhiều đầu tư. Tuy nhiên, cua đông lạnh nhập về thịt sẽ bở, không còn ngon như cua tươi và nấu được ít món hơn. Vì vậy, giá cua tươi có thể đắt hơn gấp rưỡi so với hàng đông lạnh.
Theo đánh giá, cua Hoàng đế là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Thịt thơm, ngon và bổ. Thớ thịt cua cũng săn chắc, trắng muốt và độ đạm cao, tăng cường sinh lực cho nam giới, đặc biệt hiệu quả cao hơn khi được chế biến lúc tươi sống đang bơi.
Do có những giá trị dinh dưỡng cao, cua Hoàng đế khá hút khách và có thể "cháy" hàng, mặc dù giá cả không rẻ. Đặc biệt vào những dịp năm mới được người tiêu dùng tìm mua làm quà biếu, không những thế cua Hoàng đế còn được giới sành ăn kiếm tìm cho bữa tiệc ngày xuân thêm phần lạ vị.
Nhân viên của một siêu thị chuyên bán hải sản nhập khẩu tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết thêm, riêng loại cua Hoàng đế, siêu thị này bán cả hàng trong nước và hàng xuất xứ Nhật Bản. Với hàng Việt Nam, chủ yếu là loại cua Hoàng đế lông, giá bán từ 550.000 đồng đến một triệu đồng/kg. Loại cua này có thịt tập trung ở phần mình, với chiếc mai lớn, trong khi chân và càng rất nhỏ. Còn loại cua nhập khẩu có tên Hoàng đế Alaska hoặc Hoàng đế Nhật có phần chân lớn, dài khoảng 30cm-40cm, và phần lớn thịt của loại cua này đều tập trung tại bộ phận trên.
"Cua nhập thường được để trong môi trường đông lạnh dài ngày. Nếu tách cả chân để bán riêng và bóc bỏ mai thì có thể là loại đã được đông lạnh trong thời gian khá lâu, khiến phần gạch trong mai biến màu; hoặc con cua đã chết, rơi càng, rụng chân trước khi được mang đi cấp đông. Với các loại hải sản nước sâu, đặc biệt là cua, thịt càng cấp đông lâu thì chất lượng càng giảm. Đó có thể là nguyên nhân khiến giá của loại hàng chân, càng này thấp hơn so với giá trung bình của cua Hoàng đế", chị này cho hay.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]