Ngoài bán rau ở chợ Mỹ Đình, năm gần đây bà Lương còn bán thêm cả cây, lá tắm, xông. Theo bà Lương, những loại lá mọc dại có công dụng với sức khỏe, người mua đông, nên thu lời gấp nhiều lần bán rau.
Lá thuốc mọc dại ít vốn, người mua đông, giá đắt nên người bán thu lời gấp nhiều lần bán rau. Ảnh: Ngọc Lan.
Cũng theo chia sẻ của bà Lương, phụ thuộc vào độ quý, hiếm mà các loại lá này có giá khác nhau. Mỗi bó lá tươi có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng, lá khô 15.000-20.000 đồng, thậm chí nhiều cây quý gần 100.000 đồng/lạng. "Vào mùa lạnh, lá khan hiếm nên giá có thể tăng gấp đôi bình thường", bà nói.
Những cây dại được coi là thuốc được trưng bán ở các chợ thủ đô chủ yếu là các loại như nhọ nồi, cây hoa cứt lợn, thài lài, râu mèo, cúc tần, ... hoặc những cây có thể ăn kèm, ăn thay rau như lá sung, tía tô, diếp cá hay lá lốt... Bà cho biết: "Mỗi loại cây có giá trị làm thuốc khác nhau, nhưng tất cả đều tốt cho sức khoẻ. Cây tươi thường dùng để tắm, xông hay sắc uống".
Bà Lương chủ yếu mua lá thuốc từ những người buôn ở ngoại thành Hà Nội và Hoà Bình. Ngoài ra, những loại cây mọc dại phổ biến như thài lài, rau má, nhọ nồi..., bà nhờ người thân ở quê gửi theo xe lên bán.
"Những loại cây thanh nhiệt, giải nóng được người Hà Nội ưa chuộng nhất vào mùa hè. Mỗi ngày tôi bán khoảng 20-30 bó lá thuốc, những buổi nắng nóng lượng bán gấp đôi, cũng thu hơn 500.000 đồng. Mùa hè lá thuốc bán chạy, thu lời hơn cả rau", bà Lương cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội), một khách hàng quen cho biết, do bị đau dạ dày từ nhỏ nên phải dùng thuốc nam chữa bệnh. Ông thường xuyên mua lá về tắm, và quanh năm uống thuốc sắc thay nước sôi. Tuy nhiên, do giá đắt nên việc ông Thuỷ duy trì chế độ dùng thuốc nam cũng ngang ngửa với thuốc tây.
Hoa dứa dại phơi khô có giá 50.000 đồng/lạng.
Chị Nguyễn Thu Hằng, tốt nghiệp Đại học Y học cổ truyền, do có kiến thức về y học nên cũng mở quán bán lá thuốc nam tại Hà Đông. Chị cho biết, các bài thuốc lá phần lớn lấy từ cây mọc dại ở các vùng quê, hoặc trên rừng. Giá nhập nguyên liệu rẻ, giá bán đắt, người mua đông, khâu chế biến thường phơi khô - không mất nhiều chi phí nên thu lời lớn.
Tuy nhiên, theo chị Hằng: "Người bán lá thuốc nam cần thiết phải có kiến thức dày dặn đúng chuyên ngành, không thể bán theo sở thích, kinh nghiệm dùng thuốc vì ham lợi nhuận". Chị cho biết, trong cây thuốc nam có nhiều thành phần khác nhau, nó phù hợp với cơ địa của từng người. Do đó, rất khó lường trước được trường hợp người bệnh dị ứng do độc tố trong cây.
Những cây mọc dại ở quê lên thành phố có giá đắt đỏ. Ảnh: Ngọc Lan.
Chị Hằng chia sẻ, khi mua nguyên liệu thuốc phải khoanh vùng đất với bản đồ dược liệu để có chất lượng cây thuốc tốt nhất. Theo chị, mỗi vùng quê có những đặc sản và loài cây thuốc phổ biến. "Ví dụ, cây xạ đen thường phải mua ở Hoà Bình thì mới có nhiều hoạt chất, còn ở các vùng khác thường kém hoặc không có giá trị", chị nói.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]