Internet ngày càng phát triển thì hình thức mua hàng qua mạng ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, hình thức mua sắm này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế, người tiêu dùng cần phải tự lập ra “hàng rào” để tránh bị lừa đảo.
Tiện lợi đi kèm với rủi ro
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ mua sắm trực tuyến chiếm 37% vào năm 2014 và tăng lên đến 50% vào năm 2015.
Theo ông Trần Đức Tân, Giám đốc dự án Z.com (dự án toàn cầu thuộc Tập đoàn GMO Internet Group-Nhật Bản), quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tính đến cuối năm 2016 là khoảng 4 tỷ USD. Về tăng trưởng thương mại điện tử, Việt Nam lại đang dẫn đầu khu vực. Thị phần thương mại điện tử chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm từ “offline” sang “online”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, thì “mua hàng trực tuyến đang tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và công nghệ cao (Bộ Công an): Trong lĩnh vực thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Nổi lên là tình trạng người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước gọi điện, giả danh công an, viện kiểm sát… yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, sau đó chúng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên.
Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm: Giao sai sản phẩm, sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, đăng sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác, nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là hàng Mỹ, Nhật Bản, không cung cấp hóa đơn,…
Thiếu thông tin
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, bên cạnh chất lượng sản phẩm, thương mại điện tử ở Việt Nam còn tồn tại một vấn đề rất lớn, đó là cung cấp thông tin.
“Khi mua hàng trực tuyến thì người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Họ chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng, thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật”, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về an toàn, cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản vì màn hình quá nhỏ, trong khi đó, phần này bao gồm những nội dung rất quan trọng liên quan đến đổi-trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành…
Mua hàng từ các cá nhân qua mạng xã hội thậm chí còn tồn tại nhiều rủi ro hơn. Trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng cho biết không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại, địa chỉ được cung cấp.
6 cảnh báo dành cho người tiêu dùng
Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua sắm trực tuyến một cách an toàn. Với thực trạng mua hàng trực tuyến còn nhiều điểm hạn chế như hiện nay, người tiêu dùng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.
Ông Bạch Văn Mừng đưa ra 6 cảnh báo dành cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Đó là: Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,…
Tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Người tiêu dùng phải cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng, hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục quản lý cạnh tranh nhấn mạnh việc phải cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của các công ty. Theo đó, phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế, phí để nhận được sản phẩm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]