Gần hai tháng nay, chị Vũ (Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tất bật nhận đặt hàng bánh trung thu truyền thống sản xuất tại Hải Phòng. Khách hàng của chị chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp và dân văn phòng làm việc tại các công sở ở Hà Nội. Chị Vũ chia sẻ, một lần vô tình, chị khoe ảnh ăn bánh trung thu Hải Phòng lên facebook, không ngờ lại được nhiều người trong danh sách bạn bè quan tâm. Từ chỗ có nhiều người nhờ mua bánh hộ, cuối cùng chị nhận đặt hàng bánh cho những ai có nhu cầu.
Bánh trung thu này là sản phẩm của một cửa hàng gia truyền ở Cầu Đất, Hải Phòng. Hương vị của bánh truyền thống, dễ ăn và đặc biệt không có chất bảo quản, nên chị Vũ nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. “Chưa đầy 1 tháng mình đã bán ngót nghét 500 chiếc. Để mọi người ăn được bánh mới nhất và đảm bảo chất lượng hiện nay mình nhận và giao bánh 2 lần trong tuần”, chị Vũ cho hay.
Bao bì của bánh trung thu truyền thống đất cảng Hải Phòng khá đơn giản, nhưng hương vị của bánh lại được không ít người yêu thích. Ảnh: Trịnh Nguyên.
Tại đất cảng, có nhiều thương hiệu bánh trung thu gia truyền được khách hàng yêu thích, như Đông Phương, Như Ý Cát Tường, Thanh Lịch, Chi Long… Chị Vũ cho biết, tất cả các loại bánh này đều không dùng chất bảo quản. Khác với các loại bánh sản xuất công nghiệp dùng chất bảo quản có thể để được từ 45 đến 60 ngày, bánh truyền thống tại Hải Phòng có hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 10 ngày (đối với bánh dẻo) và 20 ngày (đối với bánh nướng). Dù vậy, để giúp khách hàng có thể ăn bánh bánh ngon nhất, thông thường hiệu bánh luôn in thời gian sử dụng trên bao bì ngắn hơn trong khoảng 5 ngày. Vì lẽ đó, từ mùng 5/8 âm lịch trở ra hiệu bánh mới chính thức sản xuất ồ ạt phục vụ tết trung thu.
Để phù hợp với nhu cầu cũng như thu nhập của mọi người, thương hiệu bánh trung thu đất cảng cũng linh hoạt mức giá từ 40.000 đến 100.000 đồng/chiếc tùy loại nhân, kích cỡ bánh. “Bánh nướng nhân thập cẩm gà quay có giá 65.000-70.000 đồng/chiếc đang được khách hàng tại Hà Nội đặt nhiều nhất hiện nay. Cũng có người đặt mua loại 100.000 đồng chủ yếu để đi biếu”, chị Vũ nói.
Khách hàng của chị hầu hết là bạn bè, đồng nghiệp. Người này mua thấy ngon lại giới thiệu cho người khác. Chị Vũ cho biết, tuy chưa chốt được số lượng nhưng gần như ngày nào cũng có người đặt mua 2 - 5 chiếc. Số lượng khách mua có khi lên tới hơn chục người. Chị cho hay, khả năng đến Rằm tháng 8, lượng đặt hàng còn tăng cao hơn. Tuy chỉ là kinh doanh theo thời vụ, nhưng chị Vũ khá vui vì không chỉ giới thiệu được bánh trung ngon cho mọi người, mà còn kiếm thêm thu nhập cho mình. “Ngoài lấy được giá buôn, cửa hàng còn chiết khấu cho các hóa đơn thêm 5%. Nói chung cũng mệt vì phải trực tiếp đi giao hàng đến tận nơi, nhưng cũng thấy vui vì cũng kiếm thêm được một ít để chi tiêu”, chị Vũ phấn khởi.
Tuy không phải quê Hải Phòng nhưng đã được ăn ăn bánh Đông Phương và một số thương hiệu bánh trung thu đất cảng từ nhỏ, nên mười mấy năm nay chị Hải (phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy) chỉ trung thành với loại bánh này. “Ăn nhiều thành ăn quen, không muốn ăn loại bánh khác nữa. Vỏ và nhân bánh trung thu Hải Phòng đều ngọt thanh không hắc như các loại bánh bán trên thị trường hiện nay”, chị Hải cho biết.
Theo chị Hải, điều thú vị và có lẽ nét riêng biệt ở các hiệu bánh trung thu Hải Phòng là không chú trọng nhiều đến hình thức bên ngoài. Như hộp bánh của Đông Phương cực kỳ đơn giản không cầu kỳ bắt mắt, mới nhìn qua có thể nhiều người cho rằng thô sơ “rẻ tiền”, nhưng khi được thưởng thức một miếng bánh mới thấy hương vị bánh không bao giờ thay đổi theo thời gian.
Chị Nga (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng nghe danh bánh trung thu Hải Phòng từ lâu nhưng chưa có dịp được thưởng thức. Nhờ một người bạn chia sẻ trên mạng facebook, chị đặt một lúc cả 10 chiếc chỉ để ăn thử. Chị Nga nói, mình không đủ thời gian để xếp hàng mua bánh truyền thống Hà Nội, nên năm nào cũng tặc lưỡi mua bánh trung thu của một số công ty sản xuất dù biết chắc chắn có chất bảo quản. “Nếu so với giá thị trường hiện nay thì có thể bánh trung thu Hải Phòng giá cao hơn, nhưng không phải là đắt. Vì ăn bánh mới thấy hết giá trị của nó”, chị Nga nói.
Theo chị Hương - đại diện doanh nghiệp Đông Phương, mấy năm nay số lượng khách hàng từ Hà Nội và một số địa phương lân cận Hải Phòng tìm về cơ sở để đặt mua bánh ngày càng tăng. Năm nay, ngay từ tháng 5 đã có nhiều gia đình từ Hà Nội về đặt bánh với số lượng lớn. Ngoài ra, không ít người mua lẻ đặt hàng qua điện thoại.
Có nhiều người thắc mắc tại sao doanh nghiệp không mở văn phòng hoặc chi nhánh bán hàng tại Hà Nội vừa để quảng bá thương hiệu vừa tiện cho khách hàng. “Nhưng để lưu giữ được hương vị truyền thống cũng như thương hiệu thì cách tốt nhất là nên mua tại một cơ sở sản xuất duy nhất tại Hải Phòng. Đây cũng là lý do các thương hiệu bánh trung thu truyền thống xứ cảng luôn giữ được hương vị truyền thống suốt mấy chục năm nay”, chị Hương cho hay.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]