Trứng gà giả
Loại trứng gà được làm giả nhìn bằng mắt thường có hình dáng không khác trứng gà công nghiệp. Duy có một điểm khác là trứng nghi giả to hơn trứng gà công nghiệp của Việt Nam một chút.
Theo chuyên gia gia cầm, nếu quan sát kỹ cấu tạo quả trứng thật có thể phân biệt được thật - giả. Vỏ trứng thật gồm 3 lớp, lớp ngoài cùng gọi là niêm dịch, sờ vào thấy phấn. Lớp giữa cứng có tới 76.000 lỗ thông hơi (tạo nên các hạt nhỏ li ti). Lớp trong cùng gồm 2 màng mỏng, hợp với nhau thành một buồng hơi ở một đầu quả trứng (khi luộc, trứng khuyết ở một đầu).
Trứng giả khiến nhiều người hoang mang
Lòng trắng trứng thật cũng gồm 4 lớp albumin sắp xếp theo trật tự: lỏng - cứng hơn - lỏng - cứng. Khi nhỏ axít vào (đơn giản nhất là lấy chanh) thì albumin bị vón cục. Lòng đỏ trứng thật được bao bọc bằng một màng mỏng có hệ thống dây chằng nối với lòng trắng nhằm cố định lòng đỏ. Trên lòng đỏ có một chấm trắng gọi là phôi.
Trứng giả nếu được làm từ hóa chất thì sẽ không có đặc điểm trên.
Với thành phần hóa chất được phỏng đoán để làm giả trứng như hàn the, paraphin, axít, chất dẻo, phèn chua... chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết nếu ăn nhiều trứng giả có thể ngộ độc chết người bởi các hóa chất này đều bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Mật ong giả
Mật ong giả có khả năng gây hại cho người tiêu dùng
Trung Quốc là nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới chủ yếu dùng để xuất khẩu. Cách làm giả cũng đủ mọi thể loại như pha trộn một phần mật thật hoặc làm giả hoàn toàn. Người sản xuất thường trộn vào mật thật siro làm từ đường, gạo hoặc củ cải hay chế ra mật ong từ nước, đường phèn và phẩm màu nhân tạo. Chất lượng mật không được đảm bảo thậm chí còn gây hại cho người tiêu dùng do được sử dụng nhiều phụ gia và phẩm màu nhân tạo đánh lừa người tiêu dùng. Sản phẩm mật ong giả của Trung Quốc xuất hiện cả trên thị trường Mỹ và Pháp.
Mứt nghi làm từ nhựa
Đầu tháng 2 năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) phát hiện tại Công ty TNHH Đại Phát DTT, do ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ Vũng Liêm, Vĩnh Long) làm giám đốc, có các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu làm giả nên kiểm tra.
Qua đó, đoàn kiểm tra đã thu giữ 100 bao đường không nhãn mác, 10 bao bột ngọt (mỗi bao 25 kg) có xuất xứ Trung Quốc, 127 thùng bò cụng, 13 thùng mứt táo, nho khô, mủ gòn, táo khô không rõ nguồn gốc…
Mứt táo có hạt bằng nhựa.
Khi mở niêm phong, trưởng đoàn kiểm tra là Thiếu tá Mai Phương Trang đã lấy thử những trái mứt táo cắt nhỏ và đập vỡ hột thì phát hiện hột táo có khả năng được làm bằng nhựa. Còn những miếng mủ gòn khi ngâm vào nước thì ra màu đỏ nhạt, nhưng không nở mà vẫn cứng như vỏ cây.
Đoàn kiểm tra sau đó đã lấy mẫu các thực phẩm giả trên gửi xét nghiệm để điều tra, làm rõ.
Tiết vịt
Tiết canh vịt giả rất phổ biến tại Trung Quốc.
Đây là món ăn bổ dưỡng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng nó cũng không nằm ngoài danh sách các thực phẩm bị làm giả ở đất nước này. Thay vì dùng tiết của vịt, người ta lấy tiết lợn, trâu sau đó pha trộn với formaldehyde làm thành loại đặc sản ở Trung Quốc. Việc sử dụng tiết vịt giả rất phổ biến ở Trung Quốc. Trung Quốc đã từng nhận nhiều chỉ trích của thế giới về sự lộng hành của hàng giả, hàng kém chất lượng và thậm chí là cho ra đời những sản phẩm độc hại, nhất là trong ngành dịch vụ ăn uống. Chính bản thân người Trung Quốc đã và đang hàng ngày đầu độc người dân của chính mình.
Mực khô giả làm từ nhựa
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện loại mực khô giả làm từ nhựa.
Vào cuối năm 2012, tại chợ Đông Ba (TP Huế) có hàng chục sạp hàng bị phát hiện bày bán loại thực phẩm giả này. Mực giả trông giống như mực khô thật đã được xé và tẩm gia vị, có màu trắng hồng, với giá chỉ từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với giá mực khô thật, nên rất nhiều người mua.
Mặc dù hình thức giống như mực khô thật xé sẵn, nhưng mùi vị của loại mực này khác hẳn với mực khô thông thường. Khi đốt, mực này bị cháy đen và có mùi khét như mùi polymer cháy, chứ không có mùi của mực nướng thật, khi nhai cũng không dai như mực thông thường.
Mực giả xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan tại chợ Đông Ba, TP Huế.
Không chỉ chợ Đông Ba, tại nhiều chợ khác trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là các chợ vùng huyện, thị xã, loại mực xé này cũng được bán tràn lan. Khách mua chủ yếu là các chủ nhà hàng, quán ăn, họ mua để làm gỏi hoặc làm mồi nhậu bán cho khách.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, loại mực khô giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế sau đó đã tiến hành thu giữ và tiêu hủy loại thực phẩm giả nguy hiểm này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]