Trung tuần tháng 8/2014, Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Liên bang Nga và Liên minh Hải quan đối với 7 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp sản xuất cá tra, ba sa đông lạnh.
Bên cạnh đó, việc Nga vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Hoa Kỳ, EU, Na Uy, Canada và Úc trong vòng 1 năm từ ngày 7/8/2014 vì các vấn đề chính trị liên quan đến Ukraine đã tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam trong khi Nga đang cần tìm kiếm những nguồn cung thay thế.
Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nga là thị trường hấp dẫn với ưu đãi thuế và sức tiêu thụ mạnh. Do vậy, 2 thông tin trên đặc biệt quan trọng, tích cực cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là ngành cá.
Nguyên nhân là:
(i) Năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt hơn 100 triệu USD, tăng 4,5% so với năm 2012, nhưng trong những tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga đã tăng đến 60%. Trong tháng 1/2014 xuất khẩu thủy sản sang Nga tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng từ khi Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam cũng như tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ 7 doanh nghiệp Việt, xuất khẩu sang thị trường này bắt đầu sụt giảm. Trong tháng 3/2014, xuất khẩu thủy sản sang Nga giảm 22 – 28% so với cùng kỳ năm trước.
(ii) Xuất khẩu cá tra trọng năm 2013 chiếm hơn 43% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/08/2014, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 4 triệu USD, bằng 9,2% so với giá trị xuất khẩu cả năm 2013.
Nguồn: Tổng Cục Hải Quan Việt Nam
Việc gỡ bỏ lệnh tạm đình xuất khẩu vào Nga đối với 5 doanh nghiệp cá, 2 doanh nghiệp tôm kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp này nhanh chóng khôi phục lại thị trường Nga trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cá tra.
(iii) Trong khi các doanh nghiệp cá tra gặp khó khăn ở thị trường Nga, các doanh nghiệp sản xuất chả cá, surimi lại khá thuận lợi, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Tính từ đầu năm đến ngày 15/08/2014, xuất khẩu chả cá, surimi sang Nga đạt hơn 6 triệu USD, tăng hơn 13,5% so với cả năm 2013.
(iv) Na Uy trước khi có lệnh cấm vận là nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho Nga, chiếm đến khoảng 36 - 41% thị trường này trong vòng 5 năm trở lại đây, trong đó chủ yếu là cá hồi. Hoa Kỳ là nước cung cấp thủy sản chiếm 2,5% thị phần Nga chủ yếu trứng cá, cá tuyết và các loại cá đông lạnh. Đối với EU, xuất khẩu sang Nga chủ yếu là cá thu, cá mòi, cá hồi và các loài cá khác.
Vì vậy, việc Nga cấm nhập khẩu thủy sản từ Hoa Kỳ, EU, Na Uy, Canada và Úc trong vòng 1 năm và mở của cho Việt Nam sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cá tra cũng như thủy sản Việt trở lại thị trường Nga thay thế cho các sản phẩm từ những các nước bị cấm.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để khai thác tốt thị trường Nga, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên chủ động tiếp cận các nhà mua hàng Nga để chào bán sản phẩm thủy sản của mình cũng như cần chú trọng đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về chất lượng cũng như kiểm định do Nga ban hành.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]