Bún thịt nướng, cháo lòng, bánh canh... giá chỉ 10.000 - 15.000 đồng khiến con hẻm bán đồ ăn trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 (TP.HCM) lúc nào cũng chật kín khách.Cứ 16h hàng ngày, hẻm 76 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM lại trở nên đông nghịt. Khách đến đây chủ yếu là dân văn phòng, sinh viên, người lao động. Và để được mua những món đồ ăn ưa thích giá rẻ, họ thường phải xếp hàng chờ đến lượt.
Thời gian bán hàng của hẻm đồ ăn 15.000 đồng này thường bắt đầu từ 16 đến 18 h hàng ngày, trùng với giờ tan ca chiều nên khách kéo đến nườm nượp,người bán luôn phải hối hả mới kịp phục vụ đồ ăn cho khách.
Quầy bán đồ ăn ở đây đa số là xe, sạp hàng rong quy tụ về. Chị Hoa, một người bán hàng ở đây cho biết: "Lúc trước tôi thường đậu xe bán bún trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, hay bị phàn nàn vì mất mỹ quan đô thị. Từ ngày dọn về đây yên ổn bán hàng, không lo mất khách, mất hàng như trước". Cũng theo chị Hoa, đây là hẻm nội bộ nên để bán hàng ở đây, mỗi tháng chị sẽ đóng phí 450.000 đồng tiền chỗ, vệ sinh. Tuy tốn phí nhưng nhưng bù lại khách hàng đông và ổn định hơn trước, mỗi ngày trừ chi phí hết cũng kiếm lời được 200.000 - 300.000 đồng.
Đồ ăn ở đây được đánh giá là ngon nhưng rẻ nên gian hàng nào cũng chật kín, khách phải xếp hàng chờ đến lượt mua. Chị Thoa, một nhân viên văn phòng cho biết: "Dân văn phòng rất mê con hẻm đồ ăn giá rẻ này. Chiều nào tôi cũng cùng các bạn trong công ty ra đây để mua đồ ăn. Lúc đầu nơi đây chỉ có vài
món ăn vặt như bánh tráng trộn, chè...gần đây xuất hiện hầu như đầy đủ các món ăn no như bún, phở, bánh canh, hủ tiếu, cơm tấm.....".
Sạp hàng này tuy nhỏ nhưng bán khá nhiều các món ăn yêu thích của giới trẻ TP.HCM như nui, bánh canh, hủ tiếu, mì gói..., và các món cùng đồng giá 15.000 đồng. Đây cũng là mức giá chung của nhiều gian hàng bán đồ ăn tại đây.
Theo chị chủ hàng canh bún này, mỗi ngày chị chỉ bán trong vòng 2 tiếng đồng hồ là hết 50 tô, với giá 15.000 đồng, và hầu như không có ngày nào ế. Mỗi ngày sau khi trừ chi phí, chị lời được khoản 350.000 đồng.
Mặc dù bán hàng bình dân, nhưng người bán nơi đây rất ý thức khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, các chủ hàng đều đeo bao tay để giữ vệ sinh khi chế biến món ăn phục vụ khách.
Ngày nào cũng vậy, đến gần 18h, các gian hàng đồ ăn gần như đã hết trong khi khách vẫn nườn nượp kéo đến xếp hàng. Chị Vân, chủ hàng chè cho biết: "Bất lợi ở đây là các hàng ăn chỉ bán được trong thời gian tan sở, tan trường nên ai cũng chỉ lường bán với số lượng nhất định, không dám chế biến nhiều hơn".
Ngoài phần lớn là bán cho khách mua mang đi, một số quan cuối hèm cũng có đặt bàn ghế để khách có thể ăn tại chỗ. Nhưng ở đây khách phải tự bưng bê đồ ăn phục vụ mình.
Theo Zing.vn