Đợt điều hành xăng dầu đầu tiên của năm 2018, giá xăng A95 tăng mạnh, vượt mức 20.000 đồng/lít, nhưng lại không được Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố công khai. Liệu điều này có đúng quy định của pháp luật?
Như thế không khác mấy với việc người dân hoàn toàn bị truất quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu được công bố hôm 4/1 rất đáng chú ý vì đây là lần công bố giá mà xăng RON 92 thông dụng nhất trên thị trường đã chính thức bị loại bỏ. Như vậy trên thị trường hiện chỉ còn bán xăng E5 RON 92 (gọi tắt là xăng E5) và xăng RON 95.
Động thái này khiến người ta liên tưởng đến một kịch bản ép người tiêu dùng tiêu thụ xăng E5. Liệu điều này có liên quan gì đến mấy nhà máy sản xuất ethanol to đùng đang đắp chiếu, thua lỗ, sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc?
Theo Điều 39 của Nghị định 83/CP về công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu thì Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành. Giá cơ sở lại được hình thành từ các yếu tố: giá CIF, các loại thuế, tỉ giá, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong kỳ tính giá bình quân 15 ngày.
Nhất là khi tăng giá xăng dầu vào dịp cận tết Nguyên đán kéo theo đồng loạt nhiều mặt hàng tiêu dùng có cơ hội “đục nước béo cò”. Chỉ cần xăng tăng tất cả mọi thứ đều ăn theo. Xem ra có vẻ thiệt đơn thiệt kép cho người dân. Đồng thời các doanh nghiệp cũng bị sốc vì không kịp tính bù chi phí tăng giá.
Sự phong phú của thị trường luôn là “nhiệt kế” đo lường sức khỏe của doanh nghiệp hay rộng hơn là cả nền kinh tế. Hay nói cách khác thị trường xăng dầu càng đa chủng loại người dân càng dễ giám sát, so sánh để đảm bảo tính minh bạch, công khai.
Xăng sinh học E5 từ lâu được quảng cáo là thân thiện môi trường, tuy nhiên ưu thế của nó chưa thật sự rộng rãi để người dân có thể an tâm chấp nhận. Trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về chất lượng xăng E5, việc thả nổi giá xăng A95 để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết, được nhiều chuyên gia cho rằng chưa phù hợp.
Nếu có chính sách khuyến khích dùng xăng E5, có thể thực hiện bằng nhiều cách chứ không phải chỉ có cách hạn chế sự chọn lựa của khách hàng theo kiểu không mua E5 thì phải bỏ ra nhiều hơn cho loại nhiên liệu khác! Đong đi đếm lại tiết kiệm được 2.000 đồng cũng mua được khối thứ!
Động thái gấp gáp, rốt ráo tăng giá xăng từ cơ quan chức năng khiến người dân cảm thấy… chạnh lòng. Đặt người tiêu dùng vào trạng thái như “gạo đã nấu thành cơm” dù ấm ức cũng không thể ý kiến ý cò gì được. Mà nếu không dùng xăng coi như cụt chân!
Có thể doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quyền tự quyết giá theo cơ chế thị trường. Nhưng tự quyết theo cơ chế thị trường khác hoàn toàn với… “quyết cái rụp”, mà cơ chế thị trường vốn minh bạch, công bằng. Liệu tăng giá xăng không qua công bố có đúng với cơ chế thị trường và luật pháp?
Cũng cần phải khẳng định rằng, dù xăng có tăng bao nhiêu người dân vẫn cắn răng tiêu dùng, song sẽ bớt đi nhiều câu hỏi nếu như việc tăng giá xăng làm cho người dân cảm thấy… được hưởng lợi nhiều nhất!