Ngày 29/10, World Bank đã phát hành báo cáo thường niên quan trọng về Môi trường kinh doanh lần thứ 12. Báo cáo đo lường mức độ thuận lợi trong kinh doanh của 189 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo Môi trường kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho doanh nghiệp thuộc một nền kinh tế trong vòng đời của doanh nghiệp, bao gồm các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế và giải quyết tình trạng phá sản. Tổng hợp xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên chỉ số của 10 lĩnh vực và bao trùm 189 nền kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo không đánh giá tất cả các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư như: đo lường mức độ an toàn, quy mô thị trường, tính ổn định kinh tế vĩ mô hoặc sự lan tràn của tệ nạn hối lộ và tham nhũng …
Đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2015, báo cáo đưa ra 3 thay đổi: bổ sung thêm một thành phố đối với 11 nền kinh tế; mở rộng phạm vi của 3 trong số 10 chủ đề; xếp loại tổng hợp dựa trên khoảng cách tới điểm tốt nhất.
Theo báo cáo, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam năm 2014 là 72 trên tổng số 189 quốc gia. Đây là kết quả của việc cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia, giảm lãi suất tín dụng.
Đồng thời, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Những lĩnh vực mà Việt Nam đã cải cách trong quy định kinh doanh bao gồm: vay vốn (thông tin tín dụng), nộp thuế …
Tuy nhiên, dự báo cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 sẽ khó khăn hơn khi chỉ số xếp hạng giảm xuống 6 điểm, từ 72 lên 78. Trong khi đó, khoảng cách tới điểm cao nhất năm 2015 là 64,4 và khoảng cách tới điểm cao nhất năm 2014 là 64,1; tăng lên 0,3. Khoảng cách tới điểm cao nhất thể hiện khoảng cách từ kết quả hoạt động trong quy định kinh doanh của một nền kinh tế tới một tiêu chuẩn của thông lệ tốt nhất thông qua 31 chỉ số cho 10 chủ đề của môi trường kinh doanh (không bao gồm các chỉ số về quy định đối với thị trường lao động).
Ngoài ra, World Bank cũng đưa ra đánh giá xếp hạng về các lĩnh vực khác trong môi trường kinh doanh của Việt Nam như điểm khởi đầu kinh doanh: 125; xin cấp giấy phép xây dựng: 22; kết nối điện: 135; đăng ký tài sản: 33; vay vốn: 36; nộp thuế: 173; giải quyết tình trạng phá sản: 104; thương mại xuyên biên giới: 75 …
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]