Ngỡ có trục trặc về kỹ thuật nhưng hóa ra không phải vì xuất hiện rất nhiều kênh thay thế các kênh cũ vừa biến mất. Truy cập vào website của VTVCab, thấy hiện lên bảng thông báo “Xem hay hơn, nhiều hơn hàng chục kênh truyền hình quốc tế đẳng cấp mới nhất và duy nhất” (dĩ nhiên là trên hệ thống này). Kèm theo đó là thông tin cụ thể giới thiệu về các kênh lạ hoắc như: Fox, Box Movies, KIX, Baby TV…
Cứ mong đó chỉ là trò đùa dai trong ngày “nói dối” vì tìm mỏi mắt trên website này cũng chẳng thấy bất cứ dòng chữ nào nói về việc cắt kênh. Nhưng sự thật thì việc các kênh “hot” bị cắt là có thật, các kênh mới được chiếu thay thế cũng là có thật.
Đại diện VTVCab thanh minh đã thông tin về sự thay đổi này thông qua Fanpage, rồi chạy chữ trên một số kênh truyền hình...vì không thể gõ cửa từng nhà để thông báo. Kèm theo đó, đơn vị này không quên gửi lời tới khách hàng của mình, đại ý là nếu cảm thấy không thích thì có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ từ một nhà mạng khác (!?).
Ô hay, xưa nay cứ tưởng “khách hàng là Thượng đế”, hóa ra không phải. Khách hàng trong trường hợp này chỉ là bên mua, mà hàng đã mua rồi, “tiền trao cháo múc” rồi, không ưng thì chỉ có nước mất tiền…mua cái khác mà dùng. Tiến thoái đều lưỡng nan!
Vô lý và vô duyên ở chỗ, tiền sử dụng dịch vụ của VTVCab luôn được yêu cầu đóng trước cả năm. Mà như phản ánh của nhiều khách hàng, lần thu gần đây nhất, chả thấy nhân viên đi thu tiền nào thông báo về sự thay đổi trên. Người ta có thể đi đến từng nhà để thu tiền, nhưng lại không nỡ khảo sát ý kiến khách hàng hoặc thông báo về sự thay đổi này trước khi thu, chắc sợ nói ra thì khách hàng thay đổi ý định dùng tiếp chăng?
Trong khi để đi đến quyết định thay sóng nhiều kênh như trên, chắc chắn ban bệ lãnh đạo của VTVCab đã có sự chuẩn bị trước cả một thời gian dài, tham khảo ý kiến nọ kia của cả hội đồng cố vấn nội dung, nào đâu phải chuyện ngày một ngày hai mà bảo bất thình lình.
Mặc cho người đứng đầu VTVCab sau đó giải thích, thay đổi là để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, rằng các kênh mới chắc chắn hay hơn những kênh cũ. Song của đáng tội, chả hiểu thế nào là hay, thế nào là phù hợp khi với sự thay đổi này, khách hàng sử dụng dịch vụ của VTVCab mất đi nhiều cơ hội quý vì phân nửa phim chiếu trên HBO nằm trong Top 20 phim ăn khách nhất thị trường Bắc Mỹ, rồi các giải tennis Grand Slam, giải đua xe công thức 1 sống động trên Fox Sports, các series phim hoạt hình đình đám thế giới cũng tập trung trên kênh Cartoon Network…
Trên một trang điện tử, đại diện VTVCab cũng úp mở thừa nhận, vấn đề về chi phí bản quyền cũng là một trong những lý do dẫn đến sự thay đổi này, cụ thể là chi phí bản quyền thấp hơn giúp đơn vị này có thể mang thêm nhiều kênh truyền hình mới đến với khán giả. Hiểu theo cách này thì người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm “ngon – bổ - rẻ”.
Rẻ thì có rẻ thật, nhưng là rẻ với VTVCab vì thay vì phải trả phí bản quyền cao, đơn vị này chỉ việc bỏ ra khoản tiền ít hơn mà lại mua được nhiều kênh hơn. Còn người tiêu dùng chả hiểu vì cớ gì mà vẫn phải bỏ ra ngần ấy tiền như khi còn được xem các kênh “hot” cũ. Còn “bổ” với “ngon” có lẽ cũng chỉ “bổ” và “ngon” với bên bán - VTVCab, còn với bên mua - người tiêu dùng chí ít luôn có nhu cầu được xem những gì mà khán giả trên cả thế giới muốn xem, chứ không phải những gì mà người xem trên cả thế giới buộc phải thử.
Chưa kể, nhóm kênh nước ngoài mới kể trên được VTVCab mua bản quyền từ bên thứ ba – cụ thể là 3 nhà phân phối (Thảo Lê, BHD, In the box) khiến nhiều người không khỏi băn khoăn và nghi ngờ liệu có lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm trong việc thương thảo để dẫn đến sự thay đổi đột ngột này.
Việc bán – mua trong đời thường, dù là ngoài chợ hay trong siêu thị, ở cửa hàng hay trong trung tâm thương mại, đều phải tuân thủ nguyên tắc “thuận mua – vừa bán”. Ký được hợp đồng với khách hàng cũng đồng nghĩa với việc VTVCab tại thời điểm đó đã thuyết phục được họ thuận tình sử dụng dịch vụ của mình. Song điều đó không có nghĩa, bán được hàng rồi, VTVCab muốn làm gì thì làm, muốn cung ứng cái gì thì cung ứng mà không quan tâm đến nhu cầu và sở thích của khách hàng.
Ngoài cuộc sống, “bún mắng, cháo chửi” ở nhiều nơi sở dĩ vẫn có khách vì đồ ăn được đánh giá là ngon. Thế nhưng một khi đã không ngon, lại còn giữ thái độ thiếu tôn trọng khách hàng thì kể cả không “mắng”, không “chửi” cũng khó mà giữ được chân người tiêu dùng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]