Từ liệu thống kê trên trang Agrimoney.com cho biết Brazil đang dần để tuột mất vị trí đứng đầu về tay Việt Nam trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, do kim ngạch xuất khẩu cà phê robusta (hay còn gọi là cà phê vối) giảm mạnh trong nhiều năm.
Hiện tại, Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - Ảnh minh họa
Agrimoney dẫn lời ông Nelson Carvalhaes, chủ tịch nhóm xuất khẩu cà phê Cecafé cho biết, tháng trước Brazil xuất khẩu gần 2,5 triệu bao cà phê, đáp ứng được nhu cầu thị trường mặc dù đó là tháng lễ hội Carnaval. Tuy nhiên, con số 2,48 triệu bao cà phê Brazil đã xuất khẩu trong tháng 2 vừa qua là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này sát với lượng mà Việt Nam xuất khẩu trong cùng kỳ, 2,44 triệu bao. Hiện Việt Nam đang đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Thế mạnh xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã khiến không ít các nhà đầu tư và chuyên gia không khỏi bất ngờ. Hãng I&M Smith đánh giá, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vượt qua mọi dự đoán.
Theo đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, năm 2016 xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn, giá trị khoảng 3,4 tỉ USD, chiếm 19% thị phần cà phê toàn cầu. Xong theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, ngành cà phê Việt Nam đang chịu nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và hạn hán.
Nhu cầu thị trường được dự báo là sẽ tăng trong những năm tới với cà phê chè (arabica), trong khi Việt Nam chủ yếu trồng giống robusta. Công đoạn thu hái vẫn trong tình trạng xô bồ, người trồng chưa có sự phân loại, thương lái vì lợi ích trước mắt đã trộn các loại chất lượng khác nhau làm ảnh hưởng đến uy tín cà phê xuất khẩu.
Bên cạnh đó, dẫn lời ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam - cho rằng diện tích cà phê già cỗi trên 20 tuổi chiếm đến 60%, sản xuất manh mún, việc thu mua và kinh doanh cà phê hầu như không quan tâm đến chất lượng. Hiện chưa có quy chuẩn cho cà phê rang xay và cà phê hòa tan, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Do đó, ngoài tập trung chế biến cà phê rang xay và hòa tan, cần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng như cà phê chồn, cà phê Cầu Đất... để tăng giá trị.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]