Những đồ dùng từ nhỏ nhất như tăm, tăm bông, giấy vệ sinh cho đến quần áo, đồ điện tử, thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc... được mua đi bán lại khá nhiều tại thị trường trong nước.
Chị Nguyễn Thị Diệu, bán hàng tạp hoá trên đường Láng, cho biết các sản phẩm hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Với giá thành rẻ, đơn giản nên những sản phẩm “Made in China” tại cửa hàng chị bán rất chạy. Trong khi đó, hàng hoá có xuất xứ trong nước hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy,…thường có giá cao gấp 2, 3 lần nên kén người mua, bán ra kém. Đơn cử một chiếc bút bi “Made in China” trong cửa hàng chị chỉ có giá 2.000 đồng, trong khi cùng sản phẩm có xuất xứ ở Việt Nam giá lên đến 5.000 đồng.
Mã vạch hàng Trung Quốc trên nhiều sản phẩm bán tại Việt Nam.
Chị Diệu bán hàng tạp hoá được hơn 10 năm nên nắm khá rõ thị trường các mặt hàng. Theo kinh nghiệm bán hàng, chị cho biết những mặt hàng bán chạy thường có xuất xứ ở Trung Quốc. Lý giải về điều này, chị cho rằng những sản phẩm Trung Quốc đã đánh trúng vào tâm lí “cần” của người tiêu dùng.
Được người Việt chuộng nhất có lẽ là quần áo nguồn gốc từ Trung Quốc. Chị Kiều Thị Loan, bán quần áo ở chợ Sinh viên, chia sẻ: "Quần áo Trung Quốc giá rẻ nên thường không mất nhiều vốn để nhập về. Hơn nữa, hàng Trung Quốc mẫu mã chạy theo mốt, lại có nhiều mức giá khác nhau nên rất dễ bán. “Bây giờ người ta mặc quần áo theo thời vụ, hết mốt là họ thải ra. Do vậy, người dùng Việt chuộng hàng giá rẻ của Trung Quốc thay vì bỏ nhiều tiền mua hàng cao cấp đắt đỏ”, chị nói.
Hàng “Made in China” có mẫu mã, chủng loại phong phú, giá thành rẻ.
Anh Trần Văn Sơn, chủ bán buôn quần áo tại chợ Ninh Hiệp, cho biết: "Phần lớn hàng Trung Quốc có chi phí đầu vào thấp, nguyên phụ liệu rẻ, vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên không phải đóng thuế. “Đa số hàng này bán tại các chợ, cửa hàng thời trang nên cũng không phải chịu thuế, cũng không tốn chi phí thiết kế, lấy thương hiệu… nên có đất sống”, anh nói.
Mặc dù không đảm bảo về chất lượng và độ an toàn, nhưng mặt hàng giá rẻ Trung Quốc, đặc biệt là thực phẩm vẫn chiếm ưu thế từ người tiêu dùng Việt. Anh Trần Văn Hoà (Hiệp Hoà, Bắc Giang), bán hoa quả trên đường 32 cho biết, hoa quả Trung Quốc có mẫu mã đẹp, để được lâu, giá nhập lại rẻ nên thu lợi nhuận cao. Trong khi hoa quả nhập từ thương lái miền Nam giá đắt nên bán chậm, người kinh doanh không hào hứng".
“Đối tượng khách hàng chủ yếu là sinh viên, do vậy tôi thường bán hoa quả giá rẻ nhập từ Trung Quốc", anh nói.
Theo Phương Nhung - Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]